Tuesday, December 22, 2015

NGHE DÒNG SÔNG KHÓC





NGHE DÒNG SÔNG KHÓC


Dẫu mưa, dẫu nắng cũng về
Dẫu xa lạ cũng... đất quê hương mình
Về đi tìm lại dòng kinh
Nhánh bần gie đợi cuộc tình biệt tăm
Về ôm rơm rạ trăng rằm
Tuổi thơ ngọt lịm thuở nằm võng ru
Về thương bông cưới mù u
Mẹ Cha duyên nợ lời ru thì thầm
Về gieo hạt thóc nẩy mầm
Nghe trong tiếng vọng thăng trầm núi sông
Về nhìn lại chốn mênh mông
Thấy dòng sông khóc mà lòng xót xa
Khóc theo vận nước can qua
Bốn mươi năm đã...trôi qua lâu rồi
Bao khăn tang quấn vành nôi
Áo sô, tiếng nấc, cút côi một đời
Khóc đi … cùng đất cùng trời
Nước sông hóa mặn hỡi người phương Nam


Như Thương
(Cuối Đông 2015)  



“Đọc lục bát "NGHE DÒNG SÔNG KHÓC" của Như Thương, tôi chưa nghe dòng sông nào khóc mà chỉ biết tôi muốn rơi nước mắt. Mỗi ngày nhìn thấy hai chữ TIẾNG QUÊ đã đủ hành hạ trái tim yếu đuối này. Tiếng quê là tiếng gọi của quê hương triền miên thường trực, thế sao tôi vẫn thờ ơ?

"Dẫu mưa, dẫu nắng cũng về

Dẫu xa lạ cũng... đất quê hương mình"



Quê hương bây giờ đúng là xa lạ; thời gian 40 năm mang lại biết bao là thay đổi nhưng vẫn là quê hương tên gọi Việt Nam. Vậy mà tôi có về bao giờ đâu. Dòng kinh, nhánh bần, rơm rạ, võng ru, mù u, hạt thóc… còn rõ nét lắm trong trí nhớ của một con người đã trải qua 30 năm đầu đời trên quê hương. Những hình ảnh đó như một bài nhạc cũ thỉnh thoảng tự động bật hát vang tiếng rất rõ trong tiềm thức. Căn chòi chào đời bên bờ mương, vườn quê cây trái tuổi thơ, lớp học vỡ lòng trong ngôi đình mái xiên nắng đổ, áo trắng đồng phục học trò bị dính nước cổ trầu… hình ảnh quá khứ chất đầy, chỉ cần về một lần chân trần đi lại bờ mương, tôi sẽ có thể sống lại kỷ niệm trọn vẹn. Đứa con đầu lòng sẽ thắp nén nhang khấn lạy thì thầm trước mộ cha mẹ. Chừng đó tôi nghe dòng sông khóc hay tôi khóc một dòng sông…”



(Cảm nghĩ của anh Phan Hạnh-HCA, Nhóm Tiếng Quê)



 
Minh họa: Viet.tl