Thursday, May 28, 2020

HỒN SÁCH THÁNG 5 - Text & Audio on Nationwide Viet HD Radio




Như Thương
(Viết cho những năm tháng sách vở thành tro bụi)


45 Năm sau trận chiến chống Cộng, lòng người dân miền Nam Việt Nam vẫn không quên được hình ảnh của những ngọn lửa "đốt sách" vào tháng 5, 1975! Lê Duẩn (Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam) cùng với Đại hội đảng lần thứ 5, Lữ Phương (Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam VN vào thời điểm sau 30/4) và những cây bút đã phản bội dân tộc là những tên đồ tể hủy hoại nền văn hóa dân tộc qua chính sách thu gom, đốt sách. Tháng 5 năm 1975, Cộng sản Bắc Việt đốt sách Việt Nam Cộng Hòa: Đó là hồi chuông báo tử cho nền Giáo dục Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng của hai nền Đệ I và Đệ II Cộng Hòa xuống dốc, băng hoại, có thể tàn rụi hoàn toàn và cuối cùng là sự diệt vong của một dân tộc sẽ đến như hậu quả khôn lường.

Mệnh nước, mệnh sách (Chiến dịch “Bài trừ Văn hóa đồi trụy phản động”)

Những ngày sau 30/4/1975, khi phố chợ nhốn nháo và đông nghẹt người bán - họ bán tất cả những món gì mà tôi thấy được trong mỗi nhà, từ Tivi, Radios, bàn ủi điện, quần áo....thì trong dòng người bán ấy lại có những núi sách đổ xuống sạp hàng của tôi! Những chồng sách cao hơn chiều cao tôi ngồi, ngất ngưởng giữa chợ, ngạo nghễ như giá trị của nó, cam tâm như thế cuộc, rồi phải lưu lạc ra giữa chợ đời thay vì được xếp ngay ngắn trên kệ sách, tủ sách không vương chút bụi trần. 
Lúc bấy giờ vào khoảng tháng 5 năm 1975, tôi đang mưu sinh bằng nghề mua bán giấy vụn trên lề đường ở chợ Bà Chiểu, Gia Định.  Giang sơn chỗ bán hàng của tôi vỏn vẹn chừng một thước vuông và "đồ nghề" chỉ gồm có một miếng nylon và cái cân đồng hồ. Đây là một cái nghề mà tôi chỉ thấy người ta làm, chứ chưa biết nó ra làm sao, nhưng chỉ vì mưu sinh độ nhật mà tôi đã trải qua những phút đau lòng khôn tả!!! Trong đầu tôi chỉ nghĩ là tôi đi mua giấy vụn thật sự, chứ không nghĩ là mua sách vì cái chữ "giấy vụn" rất khác xa với "giấy của những trang sách"...Cảm giác đầu tiên của tôi, thú thật là hơi ngại ngùng, thế nhưng có một khúc quanh lịch sử của dân tộc Việt Nam để sách là giấy vụn, là đồ đồng nát!

Xin cúi đầu tạ lỗi tất cả những tác giả đã nghe tôi gọi "sách" là "giấy vụn". Giá như mà hồi ấy tôi trưởng thành như bây giờ thì có lẽ tôi đã đặt bàn hương án để "Tế Sống Hồn sách vở", để khỏi mang tội với dân tộc, với tiền nhân và với tác giả rồi. Vận nước ngả nghiêng đành đoạn, mệnh người chao đảo trong cảnh hỗn mang và sách vở đã cùng chung số phận nghiệt ngã ấy sau giờ thứ 25!!!
Tôi đã rưng rưng nước mắt khi một ngày thấy được những trang sách của một quyển Tự điển quý mà tôi hằng mơ ước có được, nhưng đã không có tiền để mua! Những trang sách ấy còn rất mới và hãy còn thơm mùi mực in. Đã quá nửa đời người rồi mà tôi vẫn không quên được cái mùi thơm ấy. Điều gì xảy ra giữa cái khung cảnh xô bồ của đầu đường cuối chợ thế này? Trên đầu chợ, người ta bán đồ hàng bông, tiệm vàng, rạp hát bán thuốc lá thùng, rồi đến chợ cá, chợ thịt... cho đến cuối chợ là những sạp hàng có tên gọi là "chợ Trời" và cuối cùng là những chỗ buôn bán không có sạp mà chỉ có "một chỗ ngồi trải nylon" như nơi tôi ngồi mua bán giấy vụn.
Ở một góc chợ đời nhỏ nhoi, tôi là người nhìn thấy những quyển sách đang hấp hối khi mọi người lén lút và vội vã đem bán sách trong cái hớt hãi của sự khiếp sợ; còn ngoài kia mọi người nhốn nháo lên bởi tin " THU GOM SÁCH và ĐỐT SÁCH"!!!

Chủ trương đốt sách của nền văn học miền Nam trước năm 75 của chính quyền cs nhằm mục đích xóa bỏ toàn diện vết tích miền Nam trong tất cả mọi lãnh vực về thể chế chính trị, kinh tế, xã hội và cả về mặt văn học.  Sách mà theo báo cáo của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng tại kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội, ngày 26 tháng 6, năm 1976 là: Việc xây dựng nền Văn Hoá mới  được tiến hành trong cuộc đấu tranh quét sạch những tàn dư mà Mỹ đã gieo rắc ở miền Nam. Đó là thứ văn hoá nô dịch, lai căng, đồi trụy, cực kỳ phản động...
"... Trong báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng trong kỳ họp Quốc Hội đã chủ trương: Phải nhổ tận gốc rễ những nọc độc về tư tưởng văn hóa thực dân mới mà đế quốc Mỹ đã gieo trồng ở miền Nam Việt Nam. Đó là thứ văn hóa, nô dịch, lai căng, đồi trụy cực kỳ phản động cùng các hủ tục, mê tín, dị đoan lan tràn..." (Source: DCVonline)
“Đội Cờ Đỏ" với khẩu hiệu "Tịch thu sách đồi truỵ & phản động" đi từng đoàn trong các khu phố cuả Sài Gòn để đến từng tổ dân phố tịch thu và đem đốt sách của Việt Nam Cộng Hoà …”  (Phan Lạc Đông Quân) .
"... Chính sách đốt sách của Việt Cộng đã được biểu diễn ngay tại Hà Nội sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước. Đó là thời Hồ Chí Minh. Học sinh được Thành Đoàn ra lệnh “Phát động  phong trào chống văn hóa nô dịch” bằng cách nộp sách nhà mình và đi truy lùng “bắt sách” của hàng xóm đem đốt. Sau năm 1975, đến lượt Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Giờ đến thời của Lê Duẩn, trong chiến dịch “Bài trừ văn hóa đồi trụy, phản động,” các nhà in, nhà xuất bản và những tiệm sách, nhà phát hành lớn như Khai Trí, Sống Mới, Độc Lập, Đồng Nai, Nam Cường, Trí Đăng… đều bị niêm phong chờ thanh niên xung phong và bọn trở cờ 30 Tháng Tư đến cướp..." (Nguồn: Người Việt)

Giết một tác giả không có gì tàn nhẫn hơn là đốt tác phẩm của tác giả ấy. Giết một nền văn hóa không có gì hiệu nghiệm hơn là hủy hoại sách vở của nền văn hóa ấy. Nhìn lại trang sử nhân loại để nhận ra rằng sự cạn dòng của một dòng sông và sự đốt sách sẽ tiêu diệt một dân tộc.
Nỗi đau đớn nhất của tôi là nhìn thấy những quyển sách quý nằm lẫn lộn với giấy đi cầu được nhồi nhét vào một bao tải, túi đệm! Sao điều ấy lại xảy ra được thế nhỉ? Tôi đoan chắc rằng trước đó chủ nhân quyển sách đã từng nâng niu, đặt nó trịnh trọng lên kệ sách, trong tủ kính... rồi bỗng một ngày "hạ giá" nó xuống ngang tầm với những mảnh giấy đã ô uế!!? Đó là những quyển sách mà vẫn còn bọc nhựa nylon bên ngoài, nhưng đến khi họ đem đến bán giấy vụn cho tôi thì nó đã cháy xém cái bọc nhựa nylon ấy... Hồn sách uất ức, nên đã ngăn được ngọn lửa manh tâm tà ý gian ác ấy chăng? Nỗi sợ hãi kinh hoàng nào đã khống chế những người sống chết với đam mê sách vở như thế (đã có người cho nổ tung lựu đạn khi bị khám xét nhà và tịch thu sách vở) và có biết bao nỗi lòng đã gạt lệ chia tay với những pho sách mình hằng yêu quý? Quyển sách nào ngoài đường phố thênh thang đang bị phóng hỏa, quyển sách nào đã sống sót và đến với tôi trong những tiếc nuối của chủ nhân?  Mệnh người lúc ấy đã đường cùng khi quân dữ vào lùng soát nhà và tìm thấy sách vở xưa... thôi thì mệnh sách cũng chịu cùng chung mệnh người, mệnh nước tang thương!

Thú thật là cảm nghĩ của tôi khi chạm tay vào những trang sách cổ ố vàng, ngả thâm nâu nhạt theo màu thời gian là sự xót xa vô cùng tận, nhất là những quyển sách có thủ bút của tác giả gởi tặng thân hữu. Mùi mực thơm của sách đã không còn nữa, có lẽ người viết sách và người nhận sách đã ra người thiên cổ, nhưng chữ vàng ngọc của sách vẫn còn đâu đây và nằm yên trên trang sách như thách thức với thời gian. “Hữu xạ tự nhiên hương”: Chữ nghĩa mãi mãi đi vào lòng những người quý sách dẫu ngoài kia cơn bão lửa của lòng người cộng sản thù hận chế độ, chính quyền miền Nam Việt Nam, nên họ đã đốt sách in trước năm 1975, thì gia sản sách của những trang giấy bổi, giấy dó (nhẹ, xốp như nắm bông) vẫn tồn tại trong cuộc sống của những người đã thâm nhiễm sách từ thời đi học i tờ.

Tôi không còn dùng cái cân đồng hồ để cân "giấy vụn" nữa mà thay vào đó là mua sách theo từng mớ, theo chiều cao của từng chồng sách mà chủ nhân khệ nệ khiêng tới sạp hàng của tôi.  Có những người chở sách đến tôi bằng xe xích lô, xe đạp, mà cũng có những người đem sách đến trong chiếc giỏ nylon đi chợ hàng ngày. Tôi đã thu mua sách nhiều đến nỗi quên bẵng đi mình cũng là người cần bán ra những món mình mua để có tiền mua thức ăn...Thú thật, nhìn những quyển sách quý đang ở bên cạnh mình, tôi mải mê nhận sách, mơ hồ tôi nghĩ đó là sách của tôi, rồi đọc sách một cách say sưa từ khi sáng dọn hàng ra đến chiều sẫm tối dọn sách về nhà.

Khoảng chừng một tuần lễ sau thì số tiền vốn trong túi của tôi đã sạch nhẵn! Đền bù lại, sách trong nhà và ngoài chỗ tôi bán thì giống như là một "kho sách" để chuẩn bị mở một tiệm bán sách. Tôi cẩn thận phân loại sách quý ra riêng, kế đến sách mà tôi ao ước có được, cuối cùng sách với tất cả đủ mọi đề tài mà tôi nhận diện được tác giả vào thế hệ của tôi và rồi cất tất cả loại sách trên ở nhà… Để dành riêng cho mình! Ngoài những phân loại kể trên, còn bao nhiêu thì tôi chở đi, chở về hàng ngày ra chợ để "bán" được ký lô nào hay ký lô nấy vì chỉ thấy “mua” mà không có "bán" thì làm sao có tiền?!?!

Dần dà sau một tháng ngồi chợ, tôi đã có những mối khách quen mua giấy vụn của tôi: Những bà bạn hàng bán xôi, bán chạp phô! Đến lúc này thì quả thật lòng tôi cảm thấy xốn xang vô cùng khi nhìn thấy chị bán xôi xé từng trang sách ra để kẹp chung với miếng lá chuối và gói xôi mỗi sáng! Chữ nghĩa phải long đong đến thế rồi sao? Lời hay lẽ phải, những bài học của tâm hồn cao thượng đi về đâu sau khi đã trở thành mảnh giấy vụn gói xôi, gói hàng tạp hóa?  Tôi không là tác giả, nhưng tôi biết có người đã bỏ hết cả đời ra để học hỏi, để thu thập kiến thức và cuối cùng viết sách: Đứa con tinh thần của mình chào đời. Muốn viết một trang giấy, hẳn người cầm bút đã phải đọc 100 trang giấy trước đó, chắt lọc tinh túy người xưa để hiến dâng cho đời cái cốt lõi đẹp nhất của Chân - Thiện- Mỹ qua những trang sách do mình viết ra.

Loại sách nào của VNCH đã bị chính quyền CS đốt?

Đó là sách của miền Nam xuất bản trước 1975. Sách mà theo báo cáo của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng tại kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội, ngày 26 tháng 6, năm 1976 là: Việc xây dựng nền Văn Hoá mới  được tiến hành trong cuộc đấu tranh quét sạch những tàn dư mà Mỹ đã gieo rắc ở miền Nam. Đó là thứ Văn Hoá nô dịch, lai căng, đồi trụy, cực kỳ phản động.
Một hậu duệ của nhà sách nổi tiếng Mai Lĩnh ở Hải Phòng đã kể lại cho tôi nghe rằng phong trào đốt sách chỉ là hình thức tuyên truyền. Những ai đã sống trong ngày tháng ấy tại Saigon, sẽ thấy sách đổ ra bán tràn ngập lề đường Lê Lợi, ngã tư Công Lý, Pasteur, Nguyễn Huệ mới biết sách từ đâu đến! Sách của VNCH và sách in trước năm 1975 sau khi bị chính quyền CS thu gom về thì sẽ lựa trước sách quý, giữ làm bửu bối. Sau này số sách ấy được bán ra cho những chủ nhân sách cũ với giá ngất ngưởng trên trời! Vỉa hè sách cũ đã trở thành nơi chốn dung thân cho những cuốn sách quý được bán như thế, cộng thêm với số sách mà tư nhân dấu diếm được.

Chữ nghĩa quý báu của người xưa trong tất cả lãnh vực của triết, văn chương, nghệ thuật, sách học làm người, tự điển, hồi ký, sử địa, khoa học, kỹ thuật, tôn giáo, những bộ Bách khoa Tự điển…v...v... không thể nào cân được! Làm sao cân được những tấm lòng yêu chữ nghĩa? Bởi vì đã có những tác giả cặm cụi hết cả một đời người đam mê với sách vở, nghiên cứu, sưu tầm và đúc kết lại thành sách quý như cụ Vương Hồng Sển, nhà văn Sơn Nam... rất nhiều tấm lòng đã đau đáu với gia tài chữ nghĩa của dân tộc, nên đã miệt mài với sách vở dẫu phải đi qua những năm tháng tận khổ của đời mình.  Kho sách 60 tấn của nhà sách Khai Trí ở địa chỉ số 60- 62 đường Lê Lợi, Saigon bị tiêu hủy … Hẳn chủ nhân: Ông Nguyễn Hùng Trương bị bắt trong chiến dịch Tháng Tư 1976 và đưa đi “cải tạo” vì tội "biệt kích văn nghệ". Hiệu sách Khai Trí đổi tên thành nhà sách Sài Gòn và Fahasa đã phải điếng lòng và ngậm ngùi xót xa vô vàn, để ngàn đời sau vẫn không nguôi nỗi hận! Và khoảng 180 chục triệu cuốn sách đủ loại ở miền Nam và còn biết bao nhiêu sách vở ở tỉnh lẽ đã cùng chung số phận?

Có những quyển sách đã ra đời trước khi tôi sinh ra, thậm chí tuổi thọ của sách vào thế hệ ông nội, ngoại! Giấy đã ngả vàng, rất dòn và từng trang rời rạc từ gáy sách. Tuy nhiên, những quyển sách như thế lại được chủ nhân đem đến bán cho tôi với tất cả sự "trịnh trọng", họ không nhét bừa quyển sách vào cái giỏ vơ vẩn nào, mà lại để trong những cái cặp da rất cũ kỹ. Đa số họ vào tuổi trung niên và hình như họ rất ngần ngừ khi trao sách cho tôi!?! Mãi đến bây giờ tôi mới ngộ ra được điều ấy: Họ đã yêu quý một tác phẩm giá trị, mua nó hay được tác giả quý tặng, để dành như của gia bảo, rồi đến một ngày tang thương của đất nước, vì miếng cơm manh  áo, họ phải lìa xa nó để cứu đói!
Trong số sách xưa cũ, tôi nhận ra những quyển sách của thế giới học đường: Sách giáo khoa. Một cái học dang dở để các cô cậu học trò phải bán sách của mình để đổi cơm áo! Thương thế hệ non trẻ ấy quá, chưa vui trọn vẹn hết được những ngày tháng làm học trò thần tiên mà nay phải rời ghế nhà trường. Các em đến bán sách cho tôi với dáng vẻ dường như mắc cỡ, rụt rè...và rươm rướm nước mắt kể tôi nghe: Ngày mai gia đình em đi kinh tế mới, nên em hết được đi học rồi! Tôi nghe mà như sấm động ngang trời, tóc em còn xanh màu mơ ước, bàn tay em vẫn còn là bàn tay của mực tím mà sao lại đổi đời nhanh thế hả em? Có giống như phận đời tôi không? Vâng, tôi cũng vậy thôi!

Thật xót xa cho những trang sách đã phải dãi nắng, dầm mưa như tôi, để rồi từ những trang giấy mượt mà chữ nghĩa nay ướt nhòe nhoẹt. Những con dấu thân tặng ở đầu trang sách hay con dấu của một cơ sở cũng đẫm nước mắt như tôi! Con dấu mà tôi thấy được nhiều nhất là con dấu của nhà sách Khai Trí - là một tiệm sách nổi tiếng ở Saigon mà không một người Việt Nam không từng nghe tiếng! Thôi thì, thời thế... thế thời phải thế: Từ tiệm sách đến sạp bán sách, kệ sách, gian hàng sách, quầy hàng sách cho đến chợ sách hay tồi tệ nhất là chỗ bán sách của tôi đã là nơi ngự trị của kiến thức và hồn dân tộc Việt Nam trong chữ nghĩa đầy nhân bản vẫn còn nguyên giá trị của nó. Cuộc đời của những tác giả rồi sẽ trở về cát bụi, nhưng đời sách thì vĩnh viễn. Muôn đời sách vẫn thủy chung với người yêu quý sách và nhất là chung thủy với tác giả đã sinh ra nó, bởi vì tác giả đã đãi vàng trong cát để viết thành sách.

Con đường nào cho một dân tộc để "Khai Dân trí - Chấn Dân khí" khi mọi tri thức đã bị lên án,vùi dập, ruồng bỏ và thiêu hủy? Hồn sách luôn tinh tươm như ngày sách chào đời, dẫu thời gian có làm sách trông thật thiểu não, xộc xệch hay rách bươm.  Sách và người đọc bên nhau như tri kỷ, lặng lẽ bên nhau mà không cần lên tiếng. Sách là quá khứ, hiện tại và cả tương lai trong không gian ấy, mà độc giả là những người đã thầm ghi lời "Châu phê" trong tâm tưởng để thẩm định giá trị của sách.
Đọng lại thời gian, kho tri thức ấy nay hồn phách thành tro bụi giữa phố thị, giữa tiếng reo hò, cổ vũ của những kẻ cuồng vọng, manh tâm phá hủy một cơ đồ, một kho tàng tình tự dân tộc. Trang lịch sử sẽ khắc ghi thời điểm sách hóa thân trong đống lửa bạo tàn ấy và những kẻ đã khởi động thảm họa đốt sách sẽ phải đền tội với tiền nhân và cả thế hệ hậu sinh, bởi đốt sách là ngu dân, là tuyệt lộ văn hóa của một dân tộc… Ngọn lửa hận thù sẽ không bao giờ thiêu hủy được nguồn cội của kiến thức, của tinh hoa một dân tộc được gói ghém trong từng trang sách với biết bao nhiêu ấp ủ, hoài vọng của các tác giả trải qua thế hệ bao đời từ ngàn năm lập quốc.

Đốt tinh hoa tri thức của VNCH đi rồi, những trang sách quý không còn nữa, liệu có phải những tri thức ấy cũng sẽ chìm dần vào quên lãng không? Không! Ngàn lần không! Bởi vì đọc sách sẽ như là chiêm nghiệm vị trà ngọt còn đọng lại sau ngụm trà ấm. Ai sẽ là người bảo tồn văn hóa miền Nam sau những lần đốt sách năm 1954, 1975? Sẽ là giới trí thức miền Nam, thầy cô giáo đã rời bảng phấn vì cuộc chiến tàn trong uất nghẹn, cũng sẽ là độc giả nhìn ra được giá trị của sách in trước năm 75, để có một câu nói rất đơn giản, nhưng đã chứng minh và thẩm định được giá trị sách vở của nền văn học nghệ thuật trước năm 75 là: Sách in trước năm 75 hay sách của VNCH hay sách "Ngụy" có giá trị hơn, dẫu là câu nói ấy được phát xuất từ bên phe thắng cuộc (theo định nghĩa của họ) hay bên thua cuộc!

Ngoài kia trên đường phố vang động Đất Trời, hồn thiêng sông núi là tiếng reo hò cổ vũ việc đốt sách, riêng chỗ tôi ngồi dường như là đất sụp dưới chân tôi khi biết rằng tương lai của hằng bao thế hệ thanh niên sẽ bị thiêu hủy, bị khốn đốn sau trận đốt sách này. Hệ lụy và sự trả giá của một cuộc chiến sẽ phải đi qua nhiều thế hệ, nhưng thế hệ của Tháng 5, 1975 đã là một dấu ấn  đau buồn cho dân tộc: Mùa thi và học trò đốt sách! Tháng 6, hoa phượng rưng rưng màu huyết lệ...chứ không còn là màu hoa phượng đỏ rộn ràng của tuổi học trò nữa!

Như Thương
(28 tháng 5, 2020)




Cảm nghĩ độc giả

về bài viết "Hồn sách Tháng 5" của Như Thương

Cảm nghĩ của nhà văn Lê văn Trạch:

“Cảm nhận về Hồn Sách từ vị trí một người bán giấy vụn, thật không có gì đớn đau và cay đắng bằng! Hằng ngày quan sát sự biến động dịch chuyển của thị trường sách cũ, tác giả thấy rõ Hồn Sách qua người bán người mua và cả những trang sách cũ! Tác giả có những ý tưởng lạ, khác và không rập khuôn, đọc nhiều tài liệu nhưng chỉ sàng lọc để bổ sung ý của mình. Những cuốn sách có thể đã bị thiêu rụi nhưng Hồn Sách thì bất diệt!”

Cảm nghĩ của anh Võ Thành Nhân SBTN:
Một bài viết tổng hợp được nhiều data. Rất cám ơn Như Thương.
Sẽ giữ làm tài liệu.
Many thanks.

Cảm nghĩ của nhà văn T.Vấn (Blogger của Blog "T.Vấn & Bạn hữu"):
Bài viết rất cảm động, nhất là với những người yêu sách (như tôi).
Đọc Như Thương, tôi có cảm tưởng mình đang đọc chính tâm hồn mình (hồi ấy và bây giờ).


AUDIO BÀI VIẾT TRÊN NATIONWIDE VIET HD RADIO

Source: Trường Tống Phước Hiệp
https://nvradio.co/index.php/tru-c-den-d-c-sach?fbclid=IwAR1W09IQOdApaBgf1ewGdmfE925IMxXU_QYwh8gnTzNlpbXJtLa7Pe4JEOg

http://www.tongphuochiep.com/index.php/bao-chi/l-ch-s/31206-h-n-sach-thang-nam-nhu-thuong?fbclid=IwAR0ZYuV-cRxIc0EwOg7bLIq3g0FVzHmPT4aMUn6TnZmV9MQLawE25VceZxU



.

Tuesday, May 26, 2020

TÀI LIỆU TRÍCH ĐOẠN (Tài liệu từ nhiều tác giả, nguồn trên Net)



Source #1: Đốt sách hay không đốt sách (cập nhật) - Trần Hoài Thư
                  VC Đã Tiêu Huỷ Sách Vở VNCH -   Ngô Đình Bảo

Trên báo Saigon Giải phóng phát hành ngày 25-5-1975 có đăng buổi ra quân mở màn cho chiến dịch này, như sau:
“Ngày 23-5-1975, trên nhiều đường phố Sài Gòn, “khí thế ra quân” của chiến dịch vô cùng sôi nổi: “Đoàn thanh niên nam nữ đi qua các đường phố và hô to nhiều khẩu hiệu đả đảo văn hoá ngoại lai đồi truỵ mất gốc phản động. Đi đầu là xe phóng thanh với một biểu ngữ dài có ghi: ‘Đội thanh niên sinh viên học sinh xung kích bài trừ văn hoá dâm ô phản động’. Theo sau là sinh viên, học sinh sắp hàng bảy, hàng tám xuất phát từ trụ sở của lực lượng thanh niên tự vệ Thành phố, số 4 Duy Tân. Đoàn diễn hành kéo dài có đến hàng cây số đường, tất cả mọi người đều có một tấm biểu ngữ trên tay…”.

Source  #2: "Văn học miền Nam Tự do 1954-1975"- Nguyễn Vy Khanh

·        “…Một chiến dịch lên án và triệt hạ văn nghệ sĩ và trí thức miền Nam Cộng-hòa đã bắt đầu ngay từ đầu tháng 5-1975. Ngày 1 tháng 5, Ủy ban Quân quản ra chỉ thị cấm lưu hành và tàng trữ tất cả sách báo xuất-bản trước ngày "giải phóng", và đã cho những toán cán bộ ô hợp (VC, nằm vùng, "ông 30/4") đến từng nhà lục soát, tịch thu sách báo và nghệ-thuật phẩm.

·        17 và 18 tháng 6, hơn một tháng sau, đã diễn ra ở thủ đô miền Nam một ‘Hội nghị lần thứ nhất các nhà văn giải phóng’ cố xác định ai là nhà văn giải phóng và ai đứng ngoài và còn là kẻ thù. Đồng thời, Ủy ban Quân quản giao cho một Ban thanh lọc văn nghệ phẩm do Trần Bạch Đằng và Lữ Phương thứ trưởng văn hóa cầm đầu....

·        Mãi đến ngày 26-10-1975, ban này mới xong đợt đầu, thanh lọc 56 tác-giả và 489 tựa sách đã góp phần vào công tác chiến-tranh tâm lý chống Cộng.

·        Đến ngày 20-8-1975, khi Lưu Hữu Phước, bộ trưởng Thông tin văn hóa của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam, công bố Thông tri 218/CT.75 cấm lưu hành sách báo xuất bản tại miền Nam, đồng thời công bố danh sách các Cơ sở xuất-bản, các nhà xuất-bản sách thiếu nhi, các tác-giả, dịch giả bị cấm toàn bộ các sách đã xuất-bản và của các tác-giả có sách bị cấm toàn bộ – một danh sách 130 trong đó khoảng 120 tác giả miền Nam với toàn bộ tác phẩm bị cấm lưu hành...Tất cả đều nằm trong sách lược của Đảng như nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) ghi rõ nhiệm vụ phải "quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa thực dân mới mà đế quốc Mỹ gieo rắc ở miền Nam’

·        Ngày 8-3-1976 thêm Thông tri số 15/TTVH/MCTH của Bộ Thông tin Văn-hóa cập nhật danh mục sách cấm lưu hành. Tiếp đến là những vụ lùng bắt văn-nghệ sĩ miền Nam vào cuối tháng 3 này [mà nhà văn nhà báo Thanh Thương Hoàng gọi là chiến dịch X3]

·        Sở Thông tin Văn hóa Thành phố HCM ra Thông tri số 12030/STTVH/XB ngày 3-5-1977. Rồi ngày 14-17 tháng 1 năm 1978, Bộ Văn-hóa và Thông tin lại tổ chức tại Sài-Gòn một hội nghị toàn quốc với danh xưng “Hội nghị đấu tranh xóa bỏ tàn dư văn-hóa thực dân mới” với những huấn thị, báo cáo của đảng viên cao cấp từ Hà-Nội vào, xem như là một công tác cấp thiết và thường trực.

·        Ngày 7-3-1978, nhật báo Tin Sáng cho đăng Nghị quyết của Ủy Ban Nhân dân Thành phố HCM muốn tiến hành từ ngày này cho đến cuối năm 1978 một đợt tấn công và thanh toán dẹp hết những ‘dấu vết của văn-hóa tân thực dân’, kêu gọi học sinh, sinh viên tập họp kiểm thảo và phê phán một cách triệt để những ‘nọc độc’ của thứ văn-hóa suy đồi và phản cách-mạng này và kêu gọi các thành phần trẻ lập ra những đoàn công tác văn-hóa cho mục-đích ‘truy quét văn hóa đồi trụy phản động’.

·        Vào tháng 3-1981, nhà cầm quyền Hà-Nội ra hẳn một cuốn danh mục mới gồm 122 tác giả với toàn bộ tác phẩm bị cấm lưu hành.

Source #3: "Nhìn lại lịch sử đốt sách trên thế giới"- Hiểu Huy

Tại Trung Cộng:
Tội ác đốt sách trên quy mô lớn lần đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung quốc là sau khi nổ ra Cách mạng Văn hóa. Ngày 22/8/1966, Đài Phát thanh Trung ương Trung Quốc phát thông tin “phá tứ cựu” trong giờ vàng. Nhật báo Nhân dân đăng bài xã luận với nội dung “Hoan hô tinh thần cách mạng giai cấp vô sản tạo phản của các tiểu tướng Hồng Vệ binh Bắc Kinh chúng ta!… Các tiểu tướng Hồng Vệ binh dùng tư tưởng Mao Trạch Đông làm vũ khí, đang quét sạch tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, thói quen cũ của giai cấp bóc lột......Trong sách «Lịch sử đốt sách trên thế giới» ghi lại, ngoài những loại sách kể trên, đa số sách được xuất bản trong 17 năm từ 1949 – 1966 đã không thể thoát khỏi kiếp nạn bị thiêu hủy.....Tháng 8 – 9/1966 là thời điểm cao trào đốt sách. Hồng Vệ binh Bắc Kinh tổ chức hoạt động đốt sách quy mô lớn tại sân thể thao Đông Đơn, hàng “núi sách” to nhỏ đã được mang về chất đống để tiêu hủy.”

Tại Đức: Dưới tuyên truyền của Đức Quốc xã & Hitler, hoạt động đốt sách ngày càng được hưởng ứng, từ đó Đức Quốc xã ngày càng tàn bạo: Quẳng người Do Thái vào lò thiêu. Tối ngày 10/5/1933, dưới hiệu lệnh của Bộ trưởng Tuyên truyền phát xít Joseph Goebbels, nhiều sinh viên Đức đã cầm đuốc và hát vang bài “Ý chí Đức cao hơn tất cả” tiến về quảng trường nhà hát trung tâm Berlin.
Tại quảng trường, sách tiêu hủy đã được chất thành từng đống cao như núi. Theo hiệu lệnh của đội viên xung kích Đức Quốc xã, các sinh viên và học sinh hăng máu cầm đuốc ném vào những đống sách, lửa bùng cháy dữ dội tiêu hủy hàng chục ngàn cuốn sách, trong đó có những kiệt tác của Heine, Freud, Zweig… Sau khi Đức Quốc xã sụp đổ, người ta đã cho xây dựng "Đài Kỷ niệm Bảo tàng không có sách” tại quảng trường Bebelplatz Berlin.

Tại Liên Xô:
Ngày 6/6/1922, Liên Xô chính thức thành lập Tổng cục Quản lý văn học và xuất bản quốc gia và liệt kê bản danh sách sách cấm, những sách bị liệt vào sách cấm, dù là tác phẩm trong nước hay nước ngoài, đều bị tịch thu. Nếu sách cấm được in với số lượng quá nhiều thì sẽ bị tiêu hủy hàng loạt. Vì thế, một số lượng khổng lồ sách đã bị tiêu hủy trong phong trào “đốt sách” này.
Vào năm 1938, số sách bị cho là sách chính trị phản động là 10.375.706 quyển, 223.751 bức tranh tuyên truyền, 55.514 báo chí nước ngoài đã bị đưa đi tiêu hủy. Trong thời gian 1938 – 1939 có hơn 24 triệu “sách độc hại” bị tiêu hủy.

 Source #4: Hiện trạng văn học miền Nam sau 1975 - Nguyễn Văn Lục

“… Lê Duẩn, sau 1975 ngay trong Đại hội 5 đã chỉ thị: ‘Sau ngày giải phóng, nhân dân ta đã làm rất nhiều việc nhằm quét sạch những dấu vết và di hại của thứ văn hóa ấy. Công việc này cần được tiếp tục một cách kiên trì, tích cực và triệt để.”
Để thực hiện công tác xóa bỏ Văn học miền Nam này thì có một đội ngũ cán bộ đặc trách là Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Phan Đắc Lập, Thái Kế Toại, Lê Đình Kỵ, Vũ Hạnh ngay cả giáo sư Trần Văn Giàu (giáo sư Trần Văn Giàu viết hẳn một cuốn sách phê bình cuốn Nhận Định IV của Nguyễn Văn Trung) cũng tham gia vào công tác bài trừ này….”

Source #5: Đốt sách thời Nguyễn Phú Trọng- Nguồn: Người Việt

"...Chính sách đốt sách của Việt Cộng đã được biểu diễn ngay tại Hà Nội sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước. Đó là thời Hồ Chí Minh. Học sinh được Thành Đoàn ra lệnh “Phát động  phong trào chống văn hóa nô dịch” bằng cách nộp sách nhà mình và đi truy lùng “bắt sách” của hàng xóm đem đốt. Những quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và sách khảo cứu, tiếng Việt, tiếng ngoại quốc, được tập trung tại phố Tràng Thi, rồi đốt!..."
Sau năm 1975, đến lượt Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Giờ đến thời của Lê Duẩn. Trong chiến dịch “Bài trừ văn hóa đồi trụy, phản động,” các nhà in, nhà xuất bản và những tiệm sách, nhà phát hành lớn như Khai Trí, Sống Mới, Độc Lập, Đồng Nai, Nam Cường, Trí Đăng… đều bị niêm phong chờ thanh niên xung phong và bọn trở cờ 30 Tháng Tư đến cướp.

Source #6:  Sách cũ miền Nam 1954-1975 - Thi Bui

"... sách của miền Nam xuất bản trước 1975. Sách mà theo báo cáo của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng tại kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội, ngày 26 tháng 6, năm 1976 là: * Việc xây dựng nền Văn Hoá mới đuợc tiến hành trong cuộc đấu tranh quét sạch những tàn dư mà Mỹ đã gieo rắc ở miền Nam. Đó là thứ Văn Hoá *nô dịch*, lai căng, đồi trụy, cực kỳ phản động..* .
Cộng chung số sách đã bị tịch thâu, hay bị đốt theo là bao nhiêu. Hình như chưa có ai hỏi câu hỏi đó và cũng chưa bao giờ có câu trả lời. Có thể chẳng ai biết được. Chỉ tính theo đầu sách thôi, các số liệu cũ của Bộ Thông Tin cho thấy, vào tháng 9- 1972, theo Ủy Hội Quốc Gia Unesco Việt Nam Cộng Hòa trung bình đã cấp giây phép cho 3000 đầu sách được xuất bản một năm. Cộng chung từ năm 1954 đến 1975, đã có khoảng từ 50000- 60000 đầu sách đủ loại được xuất bản, thêm vào đó 200.018 đầu sách ngoại quốc được nhập cảng. Giả dụ mỗi đầu sách in tối thiểu 3000 cuốn. Sẽ có 180 triệu cuốn sách tiếng Việt bị tiêu hủy. Đây chỉ là một lối tính ước chừng. Và như vậy số sách bị tịch thâu, bị đốt, bị bán ra vỉa hè hay ve chai là khoảng 180 triệu cuốn trên khắp miền Nam. Miền Nam theo nghĩa từ Bến Hải vào đến Cà Mau...."

Source #7: Di sản VNCH: Khi nền văn minh đã thắng ‘chế độ man rợ’ - Mạnh Kim

Trong Hồi ký dang dở, cựu đại tá VNCH Dương Hiếu Nghĩa (từ trần ngày 14-4-2019) kể:
“Ngày mồng 3 tháng 5/1975. Không có chuyện gì làm, tôi lang thang tản bộ quanh khu chợ Sài Gòn, và đi lần về Thư Viện Quốc Gia, trong thâm tâm chỉ muốn gặp lại một người bạn của tôi là anh Hữu, quản thủ Thư viện Quốc Gia (ông Phan Văn Hữu – chú thích của MK). Có đến nơi mới thấy được cảnh mà cộng sản Bắc Việt gọi là bài trừ “văn hóa đồi trụy”: Sau ngày 30/4/75, một ủy ban gọi là “Ủy ban bài trừ văn hóa đồi trụy” ra đời. Thành phần gồm một cán bộ Đảng CSVN và sinh viên học sinh chít khăn đỏ trên tay (mà người dân Sài Gòn gọi là mấy con “cọp 30”)…
“Văn hóa đồi trụy” được định nghĩa là tất cả những ấn phẩm thuộc mọi lãnh vực chánh trị, kinh tế, lịch sử (nhất là lịch sử), giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa, văn nghệ, phim, ảnh. v.v… đang được lưu hành và sử dụng tại Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 30/4/1975 trở về trước, được in, chép hay thu vào băng nhựa, bằng tiếng Việt Nam hay bất cứ loại sinh ngữ ngoại quốc nào (trừ chữ Tàu và chữ Nga). Mục tiêu mà các “ông cọp 30” nhắm vào trước tiên là Thư viện Quốc gia (National Library) ở đường Gia Long. Tất cả sách bìa cứng bìa mềm, gáy tím gáy vàng, dày mỏng gì cũng đều được mang ra đường xé nát và đốt hết. Tội nghiệp cho mấy bộ tự điển và encyclopédia chữ Anh chữ Pháp (trên 100 cuốn), và rất nhiều bộ sách quý thuộc các ngành công pháp quốc tế, khoa học kỹ thuật, hàng không và cả khoa học không gian v.v… mà anh Hữu đã tốn công sưu tầm trên 10 năm dài để làm giàu cho thư viện của đất nước, trong phút chốc bị “cọp 30” xơi tái hết! Chúng tôi đến gần lượm từng tờ của bộ Encyclopedia lên xem mà ứa nước mắt nhưng không dám hỏi thêm vì bị ngay một “cọp 30” khoảng 16 tuổi tới đuổi: “Đi đi, tiếc gì mà coi, xé bỏ hết, đốt bỏ hết, nó là tiếng nước ngoài, của thực dân, của đế quốc đồi trụy, ru ngủ đầu độc dân tộc. Ta độc lập rồi thì ta cần gì ba cái thứ nầy nữa!”…"

Source #8: CSVN Đốt Sách Rồi Đấu Giá Sách Thời VNCH - Nghê Lữ

Source #9: Đốt sách, chôn học trò - Huy Phương. Người Việt TV

Như Thương sưu tầm
(26 tháng 5, 2020)

***

Ông Nguyễn Hùng Trương: Giám đốc Nhà Sách, Nhà Xuất bản Khai Trí



Ông Nguyễn Hùng Trương (1926 - 11/3/2005)




Ông Bà Khai Trí: Nguyễn Hùng Trương







Ông “Khai Trí” Nguyễn Hùng Trương với kho sách của ông,
ở những năm cuối đời







Nhà Sách Khai Trí (1952-1975)  


Một năm sau biến cố lịch sử 1975, nhà sách Khai Trí (Khai trương năm 1952) bị tịch thu, mới đầu người ta đặt tên là nhà sách “Ngoại văn”, sau đó đổi thành nhà sách “Fahasa” (viết tắt của 3 chữ “Phát hành sách”), hiện nay lại đổi lần nữa thành nhà sách “Sài Gòn” 

Sources: Nguyễn Ngọc Chính, Chiêu Anh Quán, Tống Phước Hiệp
https://hoaxuongrong.org/tai-lieu/ong-nguyen-hung-truong-va-nha-sach-khai-tri-nguyen-ngoc-chinh_a1619

.


.

Vài hình ảnh CSVN đốt sách VNCH tháng 5 năm 1975














.

T.VẤN: ĐỂ TANG CHO SÁCH HAY ĐỂ TANG CHO NGƯỜI?




Chiến dịch “bài trừ văn hóa đồi trụy phản động” 
được rầm rộ phát động tháng 5 năm 1975 trên những đường phố Sài Gòn

1.
Ông chết nhẹ nhàng như gấp lại một cuốn sách. Tính ra, ông đã để tang cho sách đúng một trăm ngày”.
Những dòng chữ “nhẹ nhàng” kết thúc “Để tang cho sách” của nhà văn Khuất Đẩu hẳn để lại một dư vị chẳng lấy gì làm nhẹ nhàng lắm cho người đọc, nhất là những người đọc đã từng sống qua những ngày tháng không dễ gì quên được kể từ khi bộ đội miền Bắc cắm lá cờ chiến thắng trên nóc phủ tổng thống miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Tại sao lại phải “để tang cho sách”? Vì “sách của ông tưởng sẽ sống đến ngàn năm đã bị bức tử một cách oan nghiệt. Khi người ta đội lên đầu những quyển sách của ông, có những quyển già như một ông tiên đầu bạc, có những quyển xinh tươi như những thiếu nữ trẻ trung, những chiếc mũ có tên là “nọc độc”, là “đồi trụy”, là “phản động” thì hơn ai hết ông hiểu đó là một lời tuyên án tử hình”.

Nhân vật người Ông của Khuất Đẩu đã chọn một giải pháp thật đẹp, đẹp hơn cả “lý tưởng của người Cộng sản”: “ông đã chọn cho mấy trăm cuốn sách một cái chết dũng cảm. Đó là chính ông tự mình đốt sách. Một quyết định cháy lòng”.
Ít nhất, nhân vật của Khuất Đẩu đã bảo tòan được “khí tiết” của sách qua cử chỉ dũng cảm của một viên tướng bại trận, tự sát chết trước khi để thân xác của mình lọt vào tay kẻ địch.

Trong thực tế, những gì đã xẩy ra ở những đô thị miền Nam sau khi người anh em cùng máu đỏ da vàng ở phía bên kia rầm rập tiến vào tay phất cao ngọn cờ của chủ nghĩa Mác-Lê “bách chiến bách thắng”?
Đó là những ngày tháng tủi hổ nhất cho lịch sử Việt Nam, khi hàng ngàn thanh niên sinh viên học sinh của bên thua trận bị chính quyền mới ra lệnh vào tận những nhà sách, nhà xuất bản, cả những kệ sách tư nhân, tịch thu tòan bộ sách báo, ấn phẩm, tất cả những gì được in ấn, phát hành ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975 đem ra đốt.

Một cảnh đốt sách thật tang thương tháng 5 năm 1975 ở Sài Gòn


Nhà văn Nguyễn Thụy Long, người chứng kiến tận mắt, đã kể lại:

“ . . . Trời sáng rõ, đèn đường tắt. Cờ bay đỏ phố, đỏ nhà. Những khẩu hiệu chiến thắng giăng mắc đầy đường, tường nhà, phố chợ. Những em nhỏ mang băng tay đỏ, áo bà ba, “mốt” mang dép râu, nối vòng tay lớn nhảy múa bập bẹ hát hỏng rồi làm lại trật tự lòng lề đường. Không còn bóng dáng những tà áo dài trắng nữ sinh tha thướt nữa. Một số em khác nỗ lực truy tìm văn hóa đồi trụy. Đám trẻ xộc vào nhà người ta khuân ra ngoài lề đường từng đống sách báo. Nổi lửa đốt khói lên ngút trời.
Một ông lớn tuổi đầu hói mang kính cận dầy cộm chạy ra la giằng lại cuốn sách đóng bìa da to vĩ đại:
– Các cháu ơi cho bác xin, đây là quyển Bách Khoa Từ điển tiếng Tây. Không phải văn hóa đồi trụy.
Chú nhóc miệng còn hôi sữa giằng lại cuốn sách, ném luôn vào thùng phuy đang bốc lửa:
– Đốt hết, đốt hết, sách là đốt. Lệnh trên như vậy.
Ông già ôm mặt khóc bên lề đường. Tôi quay mặt nhìn đi chỗ khác, tôi biết ông cụ. Giáo sư đại học luật, Vũ Đăng Dung. Tiến sĩ luật công pháp quốc tế. Ông cụ ở đường bên cạnh nhà tôi, đường Đinh Công Tráng, con đường nổi tiếng bán bánh xèo. . . .”
(Nguyễn Thụy Long – Viết trên gác bút – Hồi Ký)

Ngọn lửa phần thư không chỉ cháy trên đất nước chúng ta những ngày tháng 4 năm 1975. Trước đó, nó đã bùng lên trên phố phường Hà Nội năm 1954 cũng dưới lá cờ của chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng:
Chơi vơi trong Hà Nội, tôi đi tìm thầy xưa, bạn cũ, hầu hết đã đi Nam. Tôi phải học năm cuối cùng, Tú tài 2, cùng một số ‘lớp Chín hậu phương’, năm sau sẽ sáp nhập thành ‘hệ mười năm’. Số học sinh ‘lớp Chín’ này vào lớp không phải để học, mà là ‘tổ chức Hiệu đoàn’, nhận ‘chỉ thị của Thành đoàn’ rồi ‘phát động phong trào chống văn hóa nô dịch!’. Họ truy lùng… đốt sách!
Tôi đã phải nhồi nhét đầy ba bao tải, Hiệu đoàn ‘kiểm tra’, lục lọi, từ quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và sách quý, mang ‘tập trung’ tại Thư viện phố Tràng Thi, để đốt. Lửa cháy bập bùng mấy ngày, trong niềm ‘phấn khởi’, lời hô khẩu hiệu ‘quyết tâm’, và ‘phát biểu của bí thư Thành đoàn’: Tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn là… ‘cực kỳ phản động!’. Vào lớp học với những ‘phê bình, kiểm thảo… cảnh giác, lập trường”.
(Hồi Ký của một người Hà Nội- Nguyễn Văn Luận)

Lịch sử còn ghi chép và nguyền rủa cuộc “phần thư khanh nho” (đốt sách chôn học trò) của Tần Thủy Hòang xẩy ra từ năm 213 trước Công Nguyên.

Trong lịch sử thế giới cận đại, người ta vẫn chưa quên cuộc “tàn sát văn học” của nhà độc tài Hitler, một kẻ “chưa tốt nghiệp trung học, là kẻ ghét chữ. Ngay sau khi lên cầm quyền vào đầu năm 1933, tên trùm phát xít đã lập tức phát động một chiến dịch đốt sách rầm rộ trên toàn quốc: Kéo dài suốt từ 7/3/1933 ở Dresden cho đến 9/10/1933 ở Rendsburg, “lễ đốt sách” được tiến hành tại hơn 100 thành phố lớn nhỏ ở Đức với tất cả nghi thức “trọng thể”.Riêng tối 10/5/1933, đốt sách đồng loạt được thực hiện tại 22 trường đại họctổng hợp của Đức. Trong đó cuộc đốt sách ở ĐHTH Berlin có tới 70.000 tham gia, dưới sự giám sát trực tiếp của Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels, đã thiêu hủy hàng vạn cuốn sách.
Để thực hiện chiến dịch đốt sách,thuộc hạ của Goebbels lập ra các “Danh sách đen”, liệt kê các tác giả và tác phẩm“không mang tính Đức” cần thiêu hủy, trước hết đó là những tác giả theo chủ nghĩa Marx, người Do Thái, có tư tưởng hòa bình… “Danh sách đen” được lập ở các lĩnh vực như văn học (127 tác giả); lịch sử (51); nghệ thuật (13 tác giả và công trình nghiên cứu); chính trị và quốc học (125)… Ngoài ra còn có tôn giáo, triết học, sư phạm… Trong số này có 15 tác giả được yêu cầu cần đốt sạch, “không có ngoại lệ”, như nhà triết học Karl Marx và nhà lý luận Mác-xít Karl Kautsky; nhà văn Heinrich Mann, Erich Kaestner, Erich Maria Remarque; nhà tâm lý học Sigmund Freud, hay nhà báo Kurt Tucholsky… Thậm chí sách của nhiều nhà khoa học tự nhiên cũng bị thiêu hủy,như nhà vật lý Albert Einstein. Dựa trên các danh mục này, những cuộc lục soát được tiến hành trên toàn quốc, trước hết là ở các thư viện, trường học, hiệu sách… để thu hồi và tập trung sách lại đốt trước công chúng”.
(trích: Tái sinh từ cuộc “tàn sát văn học” – Phan Đức – TT&VH)

Khi người ta có thể đốt sách được, thì việc đốt người ắt phải xẩy đến. Sự kiện hàng ngàn nhà tù (trại cải tạo) mọc lên như nấm sau mưa trên khắp đất nước những ngày ấy đã chứng minh cho điều này. Đó là những nơi sẽ chôn thây, sẽ hành hạ những thành phần ưu tú nhất của đất nước, những người góp phần làm cho những quyển sách “tội phạm” ra đời, tồn tại.
Quả là một sự phí phạm “kinh thiên động địa”.

Nhân vật người Ông của Khuất Đẩu, qua sách vở, đã nhìn thấy trước những gì sẽ xẩy ra khi đất nước lọt vào tay người Cộng sản, và ông đã chọn cách hành xử của riêng mình.
Để tang cho sách đúng một trăm ngày, ông chết theo sách.
Để tang cho sách, là để tang cho người. Không chỉ một người (ông). Mà là cả một thế hệ và những mất mát không cách nào có thể lấy lại được. Từ những quyển sách, tài sản vô giá của đất nước nay hòan tòan tuyệt bản, cho đến những chấn thương trong lòng người chủ sở hữu, tác gỉa của quyển sách, đến nỗi ân hận dày vò trong tâm hồn những người thanh niên trẻ năm 1975 tham gia vào chiến dịch đốt sách độc ác, vì sợ hãi, vì ngây thơ không hiểu hết hậu quả việc làm của mình.

2.
Từ bấy đến nay, bao nhiêu nước đã chẩy dưới cầu, và lịch sử đã đi những bước ngọan mục. Ngọn cờ Mác-lê “bách chiến bách thắng” năm nào nay đã rũ nát trong những đống rác của lịch sử vì sự nguyền rủa của những nạn nhân, của chính những người đã từng bị lừa gạt hy sinh một đời dưới ngọn cờ độc ác ấy. Những tàn dư của nó phải thay tên đổi họ để tồn tại. Những người trẻ năm xưa trên đường phố Sài Gòn tay giương cao những biểu ngữ cổ vũ cho cuộc phần thư, nay đã già lão và tất nhiên cũng đã trưởng thành để hiểu rõ việc làm của mình ngày ấy. Họ chẳng phải là người có tội, chỉ chẳng may phải sống ở đất nước những ngày nhiễu nhương khốn khổ.

Từ những đống tro tàn, tưởng đã nguội lạnh sau ngần ấy năm, những quyển sách đã hồi sinh. Không một chế độ cầm quyền nào có thể dùng một nền văn hóa thấp mà thay thế cho nền văn hóa cao hơn, dù đó là chế độ độc tài Cộng sản. Vì thế, mặc cho kẻ chiến thắng đã từng ra mệnh lệnh phần thư vẫn còn ở ghế thống trị, những tác phẩm văn hóa văn học miền Nam đang chứng tỏ giá trị ưu thắng của mình bằng sự tái sinh mạnh mẽ. Trước hết, nhờ sự nuôi dưỡng của lòng dân. Từ những tủ sách tư nhân được che giấu bằng mọi phương cách, từ những mánh lới moi móc, tìm kiếm của người buôn sách cũ, rất nhiều những tác phẩm cũ đã được bảo tồn.* Và giờ đây, nhờ những phương tiện khoa học kỹ thuật, nhờ Internet, chúng đã có mặt trên tòan thế giới, kể cả Việt Nam, kể cả miền Bắc, hiện hữu trong mọi tủ sách gia đình, dưới dạng sách in hay ấn bản điện tử. Những cái tên tác giả miền Nam trước 1975, dù còn sống hay đã chết, đã trở nên quen thuộc với nhiều người đọc trẻ sinh sau cuộc chiến ở cả hai miền đất nước. Những nỗ lực tuyệt vọng của giới cầm quyền hòng bóp nghẹt sự tái sinh ấy vẫn không thể ngăn chặn nổi sức sống mãnh liệt của những giá trị văn hóa đích thực, những giá trị vượt hẳn lên trên mọi ý thức hệ chính trị nhất thời để trở thành kho tàng văn hóa của dân tộc.

Năm 2008, ở Đức, trung tâm Moses Mendelssohn thuộc trường đại học Postdam đã thành lập “Thư Viện những quyển sách bị đốt” nhằm sưu tập, in ấn, phát hành trên tòan nước Đức những tác phẩm văn hóa giá trị đã bị thiêu hủy bời chế độc Phát Xít Hitler năm 1933. Ngòai sự ủng hộ tài chánh của nhiều quỹ, nhiều cơ quan tư nhân, trung tâm Moses Mendelssohn còn nhận được sự tài trợ chính thức từ chính phủ Đức với ngân khỏan hơn hai triệu Euros.

“Thư viện những quyển sách bị đốt” sau cuộc phần thư năm 1954 ở miền Bắc, năm 1975 ở miền Nam, tuy không được chính thức thành lập và thực hiện, nhưng trong thực tế, nó đã tồn tại từ nhiều năm nay, và mỗi ngày đang trở nên lớn mạnh. Ngày nay, người đọc ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam, sẽ không khó khăn gì khi muốn sưu tập tòan bộ những tác phẩm của Tự Lực Văn Đòan, của những nhà văn tiền chiến (dù nhiều tác giả sinh sống ở miền Bắc trước 1975 đã bị buộc phải chối bỏ chính tác phẩm của mình), những tác phẩm giá trị và nổi bật của miền Nam trước 1975 phong phú ở mọi thể lọai, trường phái . . . Hàng trăm những thư viện sách cung cấp miễn phí cho người đọc hiện hữu trong thế giới ảo, đa dạng từ đầu sách, nội dung sách cho đến hình thức thể hiện sách để bất cứ người đọc nào với những phần mềm máy tính khác nhau, nếu muốn, cũng có thể mở ra đọc, hoặc đem về máy nhà cất giữ dành đọc khi thuận tiện.

Chưa bao giờ người thụ hưởng văn hóa lại được có cơ hội lựa chọn phong phú như hiện nay. Chưa bao giờ cuộc cạnh tranh giữa cái giá trị và không giá trị trong văn hóa lại sòng phẳng như hiện nay. Trong bối cảnh đó, sự tái sinh của văn hóa miền Nam, của những quyển sách nạn nhân của cuộc phần thư đầy xấu hổ năm nào trên đất nước chúng ta, là điều tất nhiên mà không một thế lực nào có thể ngăn cản hay làm chậm lại.
Và chúng ta đã có thể làm lễ mãn tang cho những tác giả của những tác phẩm bị đốt, nay chẳng may không còn sống để nhìn thấy những đứa con của mình sống lại. Tôi tin rằng linh hồn họ sẽ thanh thản siêu thóat.

3.
Dầu vậy, tôi vẫn không quên những hũ tro sách của nhân vật người Ông trong “Để tang cho sách” của Khuất Đẩu. Tôi cho rằng, nếu nhân vật người Ông sống tới ngày hôm nay, được chứng kiến sự hồi sinh của những quyển sách mà ông nâng niu như máu thịt, thì hẳn ông cũng vẫn chưa hài lòng trọn vẹn. Bởi vì, những quyển sách phải cụ thể là những trang giấy thơm mùi mực, hay thơm mùi cũ kỹ của thời gian, phải sờ được, phải cầm được, phải được trân trọng khẽ khàng xếp chúng vào tủ để ngày ngày ra vô nhìn ngắm, chiêm ngưỡng. Có thế mới thực sự là sách. Có thế thì kẻ hậu sinh vài chục năm sau, vài trăm năm sau, cầm tới quyển sách ố vàng vì thời gian, những mép trang đã quăn lại, biến màu vì dấu tay tiền nhân, mới cảm nhận được trọn vẹn giá trị gia tài quý báu mình đang thừa hưởng.
Có thế, sách mới thực sự như người.
Còn như, những trang sách điện tử . . .
Vì thế, hồn sách vẫn còn trong những hũ tro với bài vị là tờ giấy ghi tên sách trong ngăn tủ mà 30 năm sau vẫn còn được nhang khói mỗi khi giỗ chạp.
Hồn người (ông) thì có thể siêu thóat, nhưng hồn sách có lẽ vẫn mãi còn “lãng đãng” quấn quýt. Cho đến ngày những kẻ ra bản án tử hình sách năm nào đền tội nơi chín tầng địa ngục của Diêm Vương.

T.Vấn
28 tháng 10 năm 2011

Chú thích:

Trong những lần về thăm nhà, tôi để dành rất nhiều thời gian đi dạo những khu sách cũ của Sài Gòn. Mỗi lần như vậy, tôi đều tìm được một quyển sách cũ nào đó trước 1975. Khi thì một tác phẩm của Phạm Công Thiện long bìa, thiếu trang, khi thì những tờ báo vàng ố, lấm lem màu mực xanh học trò, có khi lại là một quyển sách đóng bìa da trang trọng với dấu tích thuộc về một tủ sách tư nhân mà người chủ phải là một kẻ mê sách và yêu sách như nhân vật của nhà văn Khuất Đẩu. Mặc dù, có quyển sách tôi đã từng được đọc lại nội dung, đã có mặt trong tủ sách “điện tử” mà tôi sưu tập, nhưng cảm giác lúc đó là tôi muốn “làm chủ” quyển sách cũ ấy với đầy đủ những dấu vết thời gian, vì nó là hiện thân của chính tôi, của sự sống sót sau một cuộc đảo điên của lịch sử. Người bán sách cũ, mang bản năng bẩm sinh của kẻ sinh ra để làm thương mại, đã căn cứ vào vẻ mặt của tôi vào lúc ấy để ra giá quyển sách. Tất nhiên, có đắt cách mấy cũng không ngăn được tôi thỏa mãn ý muốn của mình.

Nhưng kỷ niệm về sách báo cũ của tôi đáng nhớ nhất là lần mới đây về thăm nhà. Anh bạn nhạc sĩ Trần Lê Việt của tôi, có mấy người em gái vẫn còn sinh sống ở Sài Gòn. Họ đã đọc bài viết “Sài Gòn và những trang sách cũ” của tôi nói đến cuộc viếng thăm khu bán sách cũ của lần về VN trước đây nhiều năm. Khi tôi ghé thăm với tư cách một người bạn lâu năm của gia đình, mấy chị em đã bàn nhau và quyết định “gởi biếu” tôi hơn 100 số báo Tuổi Ngọc mà họ đã tích lũy từ thuở còn làm học trò mắt sáng môi tươi. Đây là tài sản quý giá, chứng nhân của một thời tuổi trẻ đẹp đẽ, mấy chị em đã tìm đủ mọi cách cất giấu, nhất là trong những ngày tháng 5 năm 1975 của chiến dịch bài trừ, thiêu hủy sách báo “phản động, đồi trụy” mà nhà cầm quyền mới phát động. Đó là một việc làm vô cùng nguy hiểm, vì bản thân họ lúc ấy là sinh viên, học sinh, đã không chịu tham gia tích cực vào chiến dịch do phường khóm điều động, lại còn tìm cách cất giấu, bao che cho “kẻ phạm pháp”. Ngần ấy năm, những tờ báo Tuổi Hoa “vô tội” đã sống sót qua cuộc phần thư, trú ngụ an tòan dưới mái nhà những nữ chủ nhân đáng yêu. Và nay, những nữ chủ nhân ấy muốn chúng được vĩnh viễn “an tòan” nơi miền đất tự do, trong bàn tay chăm sóc của kẻ mà họ đã “chọn mặt gởi vàng”.




Tôi đem tài sản quý giá một đời ấy của mấy cô em gái người bạn qua bên Mỹ với sự trân trọng của một người biết mình đang mang trong mình trọng trách bảo tòan những kỷ niệm không chỉ của mấy chị em, mà còn là của cả một thế hệ thanh niên nam nữ Việt Nam may mắn được sống trọn vẹn những ngây thơ lãng mạn của tuổi trẻ, chứ không phải bị nhồi nhét những thứ ý thức hệ giai cấp chỉ biết đến thù hận như những người bạn cùng trang lứa, cùng là người Việt Nam máu đỏ da vàng, nhưng chẳng may sinh ra và lớn lên ở miền Bắc.
Tôi dùng những dòng ghi chú này như một lời cám ơn chính thức gởi đến những cô em gái người bạn, những nữ chủ nhân đáng yêu của hàng trăm số báo Tuổi Hoa quý gía, mà mỗi lần ngồi lần giở chúng, tôi như được sống lại khỏang đời đẹp đẽ ấy thêm một lần nữa, nhiều lần nữa.

Nhân đây, tôi cũng muốn trang trọng giới thiệu trang Blog của người rất trẻ tuổi hiện sinh sống ở Việt Nam. Anh có một đam mê bỏng cháy là đi tìm lại những tác phẩm xuất bản trước 1975 ở miền Nam, dù thời gian ấy, anh chưa ra đời. Tất cả những gì anh tìm thấy, đều được anh chia sẻ với tất cả mọi ngưởi trên trang Blog bằng những ảnh chụp, hoặc phóng ảnh, kể cả việc anh chịu khó đánh máy lại nội dung để đưa lên mạng và kèm theo những nhận xét rất thông minh và đáng yêu. Khi tôi hỏi động cơ nào khiến cháu bỏ công sức làm công việc này, anh trả lời vì cháu không muốn những di sản văn hóa của đất nước bị mai một. Và đây là địa chỉ trang Blog của Nguyễn Trường Trung Huy: 
Dưới đây là vài hình ảnh tôi bắt gặp trên Blog của Trung Huy:








T.Vấn

SOURCE:
.