Saturday, February 17, 2018

TƯỞNG NIỆM HUẾ 50 NĂM MẬU THÂN TRONG THƠ NHƯ THƯƠNG

.

.



BUỒN HƠN TÍM HUẾ

1.
Có bao giờ Huế đã buồn như thế
Chít khăn sô lịm chết cả xác hồn
Năm mươi năm trong lòng người tang chế
Đã nguôi ngoai nỗi oan nghiệt: Vô ngôn!
2.
Ai gõ cửa, như tử thần réo gọi
Tiếng chân người rầm rập ngõ vườn sau
Phút giây ấy, tim người già đau nhói
Tim trẻ thơ biết tang trắng mái đầu
3.
Con chưa lạy song thân và chúc Tết
Mừng tuổi trời bên con cháu sum vầy
Hoa vạn thọ chẳng bao giờ sẽ chết
Mâm cỗ đầy, ai khai cỗ Xuân đây
4.
Hoàng Mai Xuân chưa nở vàng nhụy thắm
Đã thấm màu huyết lệ: Máu dân oan
Tội tình chi: Con trong tay mẹ nắm
Mắt mở trừng, chôn giữa đống tan hoang
5.
Vợ tìm chồng, ôm vào lòng manh áo
Hơi ấm đâu giữa cát bụi hỗn mang
Anh ra đi chưa kịp về mộng báo
Nằm nơi đây: không nhang khói, hoang tàn
6.
Anh tìm em, tiếng gọi như thảng thốt
Em về đi - con khóc gọi Mạ ơi...
Pháo giặc nổ bốn phương trời hoảng hốt
Gánh con theo, sao xác Mạ trên đồi
7.
Xương và thịt: Trộn lẫn nhau uất nghẹn
Người tìm người, ai còn nhận ra ai
Đầu, tay, chân biết đâu là tròn vẹn
Rồi vùi chôn, lấp hận! Hận có phai?
8.
Trầm hương thiêng sao nghe mùi súng đạn
Vọng chuông chùa - em áo tím nay đâu
Hồn Tiên Đế ngậm ngùi thiên cổ vạn
Huế ngàn đời - chôn hận xuống mộ sâu

Như Thương
(Chít khăn tang cho Mậu Thân 50 năm)


BI KHÚC HƯƠNG GIANG

Nhang chưa tàn trên bàn thờ ngày Tết
Tiếng cười vui ngày sum họp chưa đầy
Dặm vạn đường con cháu về chưa hết
Mà khăn tang ai xé vội chốn này
.
Đêm sông Hương tiếng hò nghe đẫm lệ
Nhịp chén sầu cung bậc nấc giòng châu
Tà áo nhung giờ phủ quanh thân Mệ
Chỉ bộ xương và cát lấp mất đầu
.
Áo học trò sao thành màu tang trắng
Khăn sô nào lau hết giọt lệ Cha
Giòng Hương Giang rũ rượi tàn con nắng
Mạ của em lặng lẽ khóc chiều tà
.
Mậu Thân đó, trang sử nào giặc viết
Nỗi kinh hoàng nhân loại có biết chăng?
Hố chôn người: Mồ của nghìn oan nghiệt
Bi khúc ơi, giờ sóng dậy đất bằng
.
Và từ đó nước sông Hương mằn mặn
Lời Huế ru nghe tê dại cõi lòng
Năm mươi năm lệ từng đêm câm lặng
Hòa với sông thành oan khuất một dòng …

Như Thương
(Tưởng niệm 50 năm Mậu Thân)


SÔNG HƯƠNG GIỖ HUẾ

Huế chừ... Huế vẫn như xưa
Đâu em Tôn nữ "Dạ thưa" mềm lòng
Sông Hương thắp nén nhang vòng
Cúi đầu giỗ Huế mặn dòng lệ rơi
50 Năm giữa đất trời
Trường Tiền áo tím một đời khăn tang
Nắm xương khô vẫn bàng hoàng
Vùi thây tập thể vạn ngàn xác thân
Hồn oan xiềng xích lê chân
Tìm về hương khói đêm Xuân Giao Thừa
Kẽm gai oan nghiệt năm xưa
Trói tay em, mẹ: Vẫn chưa xóa nhòa
Tìm con Khe Đá Mài xa
Cha, chồng… giờ đã hóa ra oán thù
Ngàn sau tiếng vọng âm u
Khúc trường ca Huế nghìn thu đoạn trường

Như Thương
(Tưởng nhớ Mậu Thân Huế 1968-2018)

...

 

HỒI ỨC HUẾ (TẾT MẬU THÂN 1968)




Như Thương xin kính dâng nén hương lòng 
tưởng niệm các nạn nhân tại Huế trong Tết Mậu Thân 1968

***


HỒI ỨC HUẾ (TẾT MẬU THÂN 1968)
Người chép lại chuyện xưa: Như Thương


Lời kể chuyện từ thầy Cao Bính (Cựu Giáo sư trường Trung học Tổng hợp Banmêthuột):

Kính viếng Hương Linh

·       Ông ĐẶNG VĂN CÓ, Thượng sĩ Trung đoàn 3 Sư đoàn 1 Bộ Binh 

(Nạn nhân là cậu ruột của thầy Bính)

Cậu tôi bị bắt tại nhà ngày Mồng 2 Tết và dẫn về Phú Thứ.

Khi khai quật tại mồ chôn tập thể thì thấy tay cậu bị trói ra sau lưng và đầu bị đập vỡ sọ trong tư thế ngồi.

Cậu về ăn Tết tại Làng Lưu Khánh cách Huế 7 km. Cậu bị bắt đi và có lẽ bị giết ngay khi đến Phú Thứ vì khi đào xác lên thì 2 chùm ớt đem theo chưa xử dụng, 5 tờ giấy bạc 200 đồng vẫn còn đủ và tất cả giấy tờ gồm thẻ căn cước, thẻ Quân Nhân, Chứng Chỉ Tại Ngũ vẫn còn nguyên trong túi. Khi đào lên là nhận diện được ngay.​

Ông cậu tôi là một Phật tử thuần thành rất hiền lành, luôn mong ước mỗi chuyện hoà bình. Trưa mồng Một Tết tôi về Ngoại chúc Tết gặp cậu tôi. Hai cậu cháu đi ngang đài phát thanh Huế ở cầu Trường Tiền nghe tin VC tấn công Bến Tre và Banmêthuột, chính phủ ra lệnh quân nhân đang nghỉ phép phải trở về đơn vị hoặc trình diện nơi gần nhất, tôi nói với cậu nên vào đồn cho rồi. Cậu nói thôi để mai vô sớm.Nếu cậu nghe tôi thì đâu phải gặp tai họa.

Kính viếng Hương Linh những thầy giáo và bạn bè, bằng hữu của thầy Cao Bính:

·       Ông TUẦN THUNG - dòng dõi Kỳ Ngoại Hầu Cường Để - đi quân dịch,lính Địa phương quân Tiểu khu Thừa Thiên.

·        Bạn học cuả tôi là NGUYỄN VĂN HÒE, huấn luyện viên Trung tâm Huấn luyện Sư đoàn 1 tại Văn Thánh. Hoè bị bắt cùng ba của Hoè và cả hai bị chôn cùng một hố.

·       Bạn học tên BIỆT, (tôi không nhớ họ) cũng bị giết trong thời gian nầy



Các thầy dạy học của tôi bị sát hại gồm:

·       Giáo sư CHÂU KHẮC TÚY, trường Quốc Học

·       Giáo sư NGUYỄN VĂN BẮC, trường Nguyễn tri Phương

Còn nhiều, còn nhiều không nhớ hết ...

Một nén nhang lòng tưởng nhớ các oan hồn uổng tử, cầu xin tất cả được siêu thoát.
  
 ***​
Lời kể chuyện từ Nhà thơ Thiên Phương:

Cách đây gần cả tháng, trong một lần nghe bản nhạc từ người bạn thân gốc Huế, Thiên Phương có trách nhẹ bạn ấy: "Tau không hiểu nổi tại răng một Huế đẹp, Huế thơ, Huế mơ như rứa lại có thể sinh ra những con quỷ mang lốt người như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, lẫn Nguyễn Đắc Xuân......Tới chừ tau vẫn giận dữ và tủi hổ - dầu chỉ là láng giềng xa của một vùng đất cố đô như Huế với quá nhiều kỷ niệm đẹp từ thuở ấu thơ, vẫn ngượng tay khi gõ chữ hoa tên họ của bọn chúng! "

Sau cái Tết năm ấy , khoảng giữa tháng 4/1968 khi tình hình tạm lắng dịu, các trường ở Đà Nẵng cùng tổ chức đoàn học sinh thiện nguyện ra Huế để phục hồi nhà cửa và giúp dân có chỗ lánh nạn. Thiên Phương tham dự chuyến công tác CPS này (Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt). Quang cảnh nội lẫn ngoại thành đều thật bi thảm. Máu óc người của đôi bên lẫn dân chúng thấm loang trên từng khoảnh tường thành, từng khúc đường nhỏ trong thành nội trên mặt thành và cả trên từng bãi đất trống sau nhà dân và cả trên sân chầu trước đại điện....Về các hầm kín xây từ thời nhà Ngô tận Cam Lộ …Phú Lộc thì....cơ man nào là hố sâu vùi thây người...... từng khúc không thể định dạng khi bị khai quật .....

*









Đọc sách: Giải khăn sô cho Huế - Nhã Ca (xuất bản 1969)


http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6221&rb=08


http://www.vietnamvanhien.net/GiaiKhanSoChoHue.pdf