Saturday, June 1, 2024

TRẦN HOÀI THƯ ... MÂY TRẮNG VỀ TRỜI

 


Nhà văn TRẦN HOÀI THƯ  (1942 - 2024)

Photo by Đỗ Hoàng Ân

*****


Thì thôi mây trắng về Trời

Gian nan khổ nạn cạn lời: Biệt ly

Thế rồi nhà văn Trần Hoài Thư đã đi biệt không về với đời, với "Thư Ấn Quán” - nơi bình an, hạnh phúc nhất của Ông và từ chốn này, Ông đã viết lời "Cảm tạ văn chương".

Ngày tôi nhận được hung tin của Ông, tôi đứng sững nhìn những cuốn sách của Ông đã tặng tôi, nhìn những số ấn hành của Thư Quán Bản Thảo TQBT (Số ấn bản cuối cùng mà tôi nhận được là Giai phẩm Thư Quán Bản Thảo số 105 tháng 4/2023 – TQBT số 1 phát hành ngày 11 tháng 9 năm 2001). Vậy là TQBT sống được 22 năm qua những nhọc nhằn và đam mê của Ông, chị Yến, của bằng hữu thâm tình và các nhà văn, nhà thơ cộng tác.



Nhà văn TRẦN HOÀI THƯ (thổ địa của thư viện Đại học Cornell) và Thư Ấn Quán

Từ nơi này, những bộ sách của “Di Sản Văn Chương Miền Nam” đã ra đời

(Hình do Như Thương chụp vào tháng 7, 2021)

 

Sững sờ với một đầu óc trống rỗng… Sau phút giây lặng người ấy, tôi hiểu ra rằng Thư Quán Bản Thảo đã dừng chân và những tác phẩm của Ông để lại cho đời sẽ quẩn quanh trên những kệ sách của gia đình, thân hữu, trong thư viện khắp nơi và trong lòng mọi người kính trọng, mến mộ Ông.


Nhà thơ Trần Hoài Thư nói về cách thức ông in sách với kỹ thuật POD – Printing on Demand


Tóc người mây trắng nghiêng nghiêng, 

Một đời sống với đường viền đam mê


Chốn này hạnh phúc Hoài Thư

Vui theo con chữ tưởng như thiên đàng



Ngỡ như thoáng giấc chiêm bao 

Đôi tay gầy guộc hôm nao xa rồi ...

 


Một chút keo, một chút tình

 Bao nhiêu trang sách vạn nghìn chữ thơm

 


Tôi nhớ màu tóc mây trắng của Ông. Nhớ mỗi lần gặp Ông thì thế nào cũng có một valy sách tặng đem về. Nhớ ánh mắt Ông rưng rưng tiễn biệt. Nhớ câu dặn dò: Mai mốt gặp nhau… Nhớ bàn tay của người Anh Cả choàng qua vai vỗ về và giọng nói trầm ấm, chậm rãi của Ông: "Ráng đi Út Như Thương” (Tôi đã gọi Ông là Anh Cả Hoài Thư kể từ khi biết Ông và Ông gọi tôi là Út Như Thương). Buổi tối khi nhận được tin Ông ra đi, tôi nằm thao thức... chả lẽ Ông ra đi thật sao??? Vì Ông nói: "Anh Cả còn nhiều việc phải làm lắm Út à". Thôi thì trả lại trần gian những bất ưng, gian nan ngần ấy đã dư thừa, khổ nạn giờ đây thôi đã dứt, bão tố cuồng phong chợt đã dừng….

Từ trong sâu thẳm đáy lòng của mỗi người, vòng nguyệt quế của những độc giả đang dành tặng cho Ông. Tôi tin rằng ở một nơi nào đó, Ông cảm nhận được điều ấy và cũng sẽ mỉm cười bên người Bạn Đời Ngọc Yến của Ông.


Ngưu Lang Trần Hoài Thư gặp Chức Nữ Ngọc Yến bên ngoài cửa Nursing Home Ashbrook, NJ 

Original Photo by Trần Quí Thoại

 

Mới chừng 3 tuần trước khi Ông ra đi, Ông còn nói chuyện với tôi là Ông đang đi tìm SÁCH, tài liệu để làm tiếp những gì ông định làm với một giọng nói thật hăm hở, háo hức...

82 Năm trên trần gian này, Ông phải đi tới tận cùng của cái khổ nạn sao: Chăm sóc người vợ trong Nursing Home 12 năm, riêng Ông thì sống với bệnh tật trong từng giây phút của bệnh Gout, rồi đến ung thư, xạ trị, mổ xẻ...

12 Năm để chăm sóc và thăm nuôi một người bị Stroke 4 lần, con đường sáng trưa chắc cũng quen với dáng Ông cao cao, gầy gầy đi thăm vợ, hẳn nắng mưa và tuyết đổ đã từng thổn thức theo Ông. (Chị Yến bị tai biến mạch máu não lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2012. Đến tháng 6 năm 2020 thì Ông bị Stroke).

Tôi không tin Trời Đất đã đặt chiếc vòng kim cô "Khổ nạn" lên số mệnh của hai người như thế, nhưng quả thật Ông đã quen với ngần ấy tai ương. Ông vững vàng và can đảm khi đối diện với mệnh số một cách tự tại.

Kể từ khi chị Yến ngã bệnh, Ông đã gượng đứng dậy một mình và lo toan mọi việc: Có lần Ông khoe với tôi rằng Ông kho cá cho chị Yến ngon lắm nè... Để mai đem vô Nursing Home đút cơm cho chị. Thương làm sao khi nhìn thấy nồi cá kho của nhà văn Trần Hoài Thư, thấm đẫm tình vợ chồng...Khoe nồi cá xong, Ông lại nở nụ cười hài lòng, rạng rỡ tưởng chừng như mình vừa mới làm được một việc gì đó thật tuyệt vời!

Cuộc đời của Ông và chị Yến là một điều kỳ diệu: Gắn bó và kề cận nhau trong cùng nỗi đam mê văn chương dẫu tai ương bủa vây!

Đối với tôi, Ông đã dạy cho tôi một bài học quý giá: Khi nào thấy mình gần QUỊ xuống, hãy nghĩ đến tấm gương Trần Hoài Thư và nhớ "Nụ Cười" điềm tĩnh của Ông.

Chưa bao giờ nghe Ông than vãn về cuộc đời của Ông, trái lại chỉ thấy ông phớt lờ...

Thượng Đế cho Ông được “quyền than vãn” với chữ nghĩa và Ông đã phóng bút với văn chương. Trong căn nhà của Ông, bất kỳ ở nơi nào, chỉ cần đưa tay ra là sẽ đụng vào sách vở!!!



 Nơi đây có một người... đa tài, đa đoan: TRẦN HOÀI THƯ

Là nhà văn, nhà thơ, chủ nhà xuất bản, công nhân kiêm thợ sửa tất cả máy móc

 

Trong những ngày tháng ở trần gian, Ông đã cặm cụi làm việc, đã đọc và đã viết cũng như đã đi với dấu chân một người lính Thám báo. Bây giờ Ông đã đi những bước chân cuối cùng: Đi về rừng...Vâng, Ông về lại rừng - như ngày xưa Ông đã từng biết đến vùng đất đỏ trong tác phẩm "BAN MÊ THUỘT - NGÀY ĐẦU NGÀY CUỐI".



Trích đoạn trong "Ban Mê Thuột - Ngày đầu ngày cuối"

"...Như những cánh rừng cao su và cà phê, đến nỗi vào mùa hoa cà phê nở, cả một thị trấn như ngào ngạt hương hoa. Trong thành phố, những cây muồng hoa vàng rực bên cạnh giáng hương, trâm, bông li ti trắng, cùng những vườn bông sứ hoang dại như làm thành phố chìm vào trong nỗi man dại ngây ngất..." (trang 39).

"... Chỉ cần một Lữ đoàn Dù cũng đủ lấy lại Ban Mê Thuột. Chỉ cần những chiếc phản lực từ Nha Trang bay lên, dội bom là xong. Bởi vì, khó mà tìm được cơ hội có một cuộc tập trung quân đông đảo như lúc này. Nhưng không ai làm chuyện đó. Ban Mê Thuột mất mà không một ai tiếp cứu... Lính nhìn nhau đôi mắt rưng rưng, tuyệt vọng...." (trang 52).

Hai đoạn văn Ông viết về Tháng Ba tang thương của Ban Mê Thuột như thế đấy: Thật lãng mạn và cũng thật bi thương!

Không chừng Ông cũng ghé qua Bình Định, cầu bà Gi Quy Nhơn, Cần Thơ, Đà Lạt, quân trường Thủ Đức...chứ không chỉ ghé rừng và cũng vẫn là chị Yến lái xe như hồi xưa đến thư viện Đại học Cornell.

Xin mạn phép nghĩ về Ông như một người của trôi giạt lẫn phiêu bạt, một người rất nhỏ nhẹ dịu dàng và là người không bao giờ đầu hàng nghịch cảnh, luôn tìm lối thoát cho cuộc đời đầy gian truân của mình.

Nếu có ai hỏi tôi rằng: Tôi nhớ gì về nhà văn Trần Hoài Thư nhất, thì tôi sẽ không ngần ngại trả lời... Đó là NỤ CƯỜI của Ông! Mái tóc trắng muốt và nụ cười của Ông như "Ông Tiên", có lần tôi đã nói thế với Anh Cả Hoài Thư.



Viết để nhớ ANH CẢ HOÀI THƯ - NGƯỜI KHÂU CHỮ NGHĨA trong lòng của Út Như Thương.

Út đang đọc lại Văn Thơ di cảo của Anh Cả... đọc biết đến chừng nào mới hết đây Anh Cả ơi?

Chúc Anh Cả thật bình an ở nơi nào đó. Nơi có chị Ngọc Yến với mái tóc đen mun mà anh tấm tắc khen hoài..."...Ngày xưa tóc đen huyền vì gội bằng bồ kết. Bây giờ thay vì bồ kết, tóc Yến vẫn đen mun vì gội bằng trái khổ nạn..." (TQBT số 93 tháng 6, 2021 - Chủ đề Hạnh phúc và Khổ nạn).


Như Thương

(Tháng 6, 2024)