Photo’s Source:
HỒN SÁCH THÁNG 5
Như
Thương
(Viết
cho những năm tháng sách vở thành tro bụi)
45 Năm sau trận chiến chống Cộng, lòng
người dân miền Nam Việt Nam vẫn không quên được hình ảnh của những ngọn lửa
"đốt sách" vào tháng 5, 1975! Lê Duẩn (Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt
Nam) cùng với Đại hội đảng lần thứ 5, Lữ Phương (Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn
hóa của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam VN vào thời điểm sau
30/4) và những cây bút đã phản bội dân tộc là những tên đồ tể hủy hoại nền văn
hóa dân tộc qua chính sách thu gom, đốt sách. Tháng 5 năm 1975, Cộng sản Bắc Việt
đốt sách Việt Nam Cộng Hòa: Đó là hồi chuông báo tử cho nền Giáo dục Nhân bản,
Dân tộc, Khai phóng của hai nền Đệ I và Đệ II Cộng Hòa xuống dốc, băng hoại, có
thể tàn rụi hoàn toàn và cuối cùng là sự diệt vong của một dân tộc sẽ đến như hậu
quả khôn lường.
Mệnh
nước, mệnh sách (Chiến dịch “Bài trừ Văn hóa đồi trụy phản động”)
Những ngày sau 30/4/1975, khi phố chợ nhốn
nháo và đông nghẹt người bán - họ bán tất cả những món gì mà tôi thấy được trong
mỗi nhà, từ Tivi, Radios, bàn ủi điện, quần áo....thì trong dòng người bán ấy lại
có những núi sách đổ xuống sạp hàng của tôi! Những chồng sách cao hơn chiều cao
tôi ngồi, ngất ngưởng giữa chợ, ngạo nghễ như giá trị của nó, cam tâm như thế
cuộc, rồi phải lưu lạc ra giữa chợ đời thay vì được xếp ngay ngắn trên kệ sách,
tủ sách không vương chút bụi trần.
Lúc bấy giờ vào khoảng tháng 5 năm 1975,
tôi đang mưu sinh bằng nghề mua bán giấy vụn trên lề đường ở chợ Bà Chiểu, Gia
Định. Giang sơn chỗ bán hàng của tôi vỏn
vẹn chừng một thước vuông và "đồ nghề" chỉ gồm có một miếng nylon và
cái cân đồng hồ. Đây là một cái nghề mà tôi chỉ thấy người ta làm, chứ chưa biết
nó ra làm sao, nhưng chỉ vì mưu sinh độ nhật mà tôi đã trải qua những phút đau
lòng khôn tả!!! Trong đầu tôi chỉ nghĩ là tôi đi mua giấy vụn thật sự, chứ
không nghĩ là mua sách vì cái chữ "giấy vụn" rất khác xa với "giấy
của những trang sách"...Cảm giác đầu tiên của tôi, thú thật là hơi ngại
ngùng, thế nhưng có một khúc quanh lịch sử của dân tộc Việt Nam để sách là giấy
vụn, là đồ đồng nát!
Xin cúi đầu tạ lỗi tất cả những tác giả
đã nghe tôi gọi "sách" là "giấy vụn". Giá như mà hồi ấy tôi
trưởng thành như bây giờ thì có lẽ tôi đã đặt bàn hương án để "Tế Sống Hồn
sách vở", để khỏi mang tội với dân tộc, với tiền nhân và với tác giả rồi.
Vận nước ngả nghiêng đành đoạn, mệnh người chao đảo trong cảnh hỗn mang và sách
vở đã cùng chung số phận nghiệt ngã ấy sau giờ thứ 25!!!
Tôi đã rưng rưng nước mắt khi một ngày
thấy được những trang sách của một quyển Tự điển quý mà tôi hằng mơ ước có được,
nhưng đã không có tiền để mua! Những trang sách ấy còn rất mới và hãy còn thơm
mùi mực in. Đã quá nửa đời người rồi mà tôi vẫn không quên được cái mùi thơm ấy.
Điều gì xảy ra giữa cái khung cảnh xô bồ của đầu đường cuối chợ thế này? Trên đầu
chợ, người ta bán đồ hàng bông, tiệm vàng, rạp hát bán thuốc lá thùng, rồi đến
chợ cá, chợ thịt... cho đến cuối chợ là những sạp hàng có tên gọi là "chợ
Trời" và cuối cùng là những chỗ buôn bán không có sạp mà chỉ có "một
chỗ ngồi trải nylon" như nơi tôi ngồi mua bán giấy vụn.
Ở một góc chợ đời nhỏ nhoi, tôi là người
nhìn thấy những quyển sách đang hấp hối khi mọi người lén lút và vội vã đem bán
sách trong cái hớt hãi của sự khiếp sợ; còn ngoài kia mọi người nhốn nháo lên bởi
tin " THU
GOM SÁCH và ĐỐT SÁCH"!!!
Chủ trương đốt sách của nền văn học miền
Nam trước năm 75 của chính quyền cs nhằm mục đích xóa bỏ toàn diện vết tích miền
Nam trong tất cả mọi lãnh vực về thể chế chính trị, kinh tế, xã hội và cả về mặt
văn học. Sách mà theo báo cáo của Ban Chấp
Hành Trung Ương Đảng tại kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội, ngày 26 tháng 6, năm
1976 là: Việc xây dựng nền Văn Hoá mới được tiến hành trong cuộc đấu tranh quét
sạch những tàn dư mà Mỹ đã gieo rắc ở miền Nam. Đó là thứ văn hoá nô dịch, lai
căng, đồi trụy, cực kỳ phản động...
"...
Trong báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng trong kỳ họp Quốc Hội đã chủ
trương: Phải nhổ tận gốc rễ những nọc độc về tư tưởng văn hóa thực dân mới mà đế
quốc Mỹ đã gieo trồng ở miền Nam Việt Nam. Đó là thứ văn hóa, nô dịch, lai
căng, đồi trụy cực kỳ phản động cùng các hủ tục, mê tín, dị đoan lan
tràn..." (Source: DCVonline)
“Đội
Cờ Đỏ" với khẩu hiệu "Tịch thu sách đồi truỵ & phản động" đi
từng đoàn trong các khu phố cuả Sài Gòn để đến từng tổ dân phố tịch thu và đem
đốt sách của Việt Nam Cộng Hoà …” (Phan
Lạc Đông Quân) .
"...
Chính sách đốt sách của Việt Cộng đã được biểu diễn ngay tại Hà Nội sau Hiệp Định
Genève 1954 chia đôi đất nước. Đó là thời Hồ Chí Minh. Học sinh được Thành Đoàn
ra lệnh “Phát động phong trào chống văn
hóa nô dịch” bằng cách nộp sách nhà mình và đi truy lùng “bắt sách” của hàng
xóm đem đốt. Sau năm 1975, đến lượt Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Giờ đến thời
của Lê Duẩn, trong chiến dịch “Bài trừ văn hóa đồi trụy, phản động,” các nhà
in, nhà xuất bản và những tiệm sách, nhà phát hành lớn như Khai Trí, Sống Mới,
Độc Lập, Đồng Nai, Nam Cường, Trí Đăng… đều bị niêm phong chờ thanh niên xung
phong và bọn trở cờ 30 Tháng Tư đến cướp..."
(Nguồn: Người Việt)
Giết một tác giả không có gì tàn nhẫn
hơn là đốt tác phẩm của tác giả ấy. Giết một nền văn hóa không có gì hiệu nghiệm
hơn là hủy hoại sách vở của nền văn hóa ấy. Nhìn lại trang sử nhân loại để nhận
ra rằng sự cạn dòng của một dòng sông và sự đốt sách sẽ tiêu diệt một dân tộc.
Nỗi đau đớn nhất của tôi là nhìn thấy những
quyển sách quý nằm lẫn lộn với giấy đi cầu được nhồi nhét vào một bao tải, túi
đệm! Sao điều ấy lại xảy ra được thế nhỉ? Tôi đoan chắc rằng trước đó chủ nhân
quyển sách đã từng nâng niu, đặt nó trịnh trọng lên kệ sách, trong tủ kính... rồi
bỗng một ngày "hạ giá" nó xuống ngang tầm với những mảnh giấy đã ô uế!!?
Đó là những quyển sách mà vẫn còn bọc nhựa nylon bên ngoài, nhưng đến khi họ
đem đến bán giấy vụn cho tôi thì nó đã cháy xém cái bọc nhựa nylon ấy... Hồn
sách uất ức, nên đã ngăn được ngọn lửa manh tâm tà ý gian ác ấy chăng? Nỗi sợ
hãi kinh hoàng nào đã khống chế những người sống chết với đam mê sách vở như thế
(đã có người cho nổ tung lựu đạn khi bị khám xét nhà và tịch thu sách vở) và có
biết bao nỗi lòng đã gạt lệ chia tay với những pho sách mình hằng yêu quý? Quyển
sách nào ngoài đường phố thênh thang đang bị phóng hỏa, quyển sách nào đã sống
sót và đến với tôi trong những tiếc nuối của chủ nhân? Mệnh người lúc ấy đã đường cùng khi quân dữ
vào lùng soát nhà và tìm thấy sách vở xưa... thôi thì mệnh sách cũng chịu cùng
chung mệnh người, mệnh nước tang thương!
Thú thật là cảm nghĩ của tôi khi chạm
tay vào những trang sách cổ ố vàng, ngả thâm nâu nhạt theo màu thời gian là sự
xót xa vô cùng tận, nhất là những quyển sách có thủ bút của tác giả gởi tặng
thân hữu. Mùi mực thơm của sách đã không còn nữa, có lẽ người viết sách và người
nhận sách đã ra người thiên cổ, nhưng chữ vàng ngọc của sách vẫn còn đâu đây và
nằm yên trên trang sách như thách thức với thời gian. “Hữu xạ tự nhiên hương”: Chữ nghĩa mãi mãi đi vào lòng những người
quý sách dẫu ngoài kia cơn bão lửa của lòng người cộng sản thù hận chế độ,
chính quyền miền Nam Việt Nam, nên họ đã đốt sách in trước năm 1975, thì gia sản
sách của những trang giấy bổi, giấy dó (nhẹ, xốp như nắm bông) vẫn tồn tại
trong cuộc sống của những người đã thâm nhiễm sách từ thời đi học i tờ.
Tôi không còn dùng cái cân đồng hồ để
cân "giấy vụn" nữa mà thay vào đó là mua sách theo từng mớ, theo chiều
cao của từng chồng sách mà chủ nhân khệ nệ khiêng tới sạp hàng của tôi. Có những người chở sách đến tôi bằng xe xích
lô, xe đạp, mà cũng có những người đem sách đến trong chiếc giỏ nylon đi chợ
hàng ngày. Tôi đã thu mua sách nhiều đến nỗi quên bẵng đi mình cũng là người cần
bán ra những món mình mua để có tiền mua thức ăn...Thú thật, nhìn những quyển
sách quý đang ở bên cạnh mình, tôi mải mê nhận sách, mơ hồ tôi nghĩ đó là sách
của tôi, rồi đọc sách một cách say sưa từ khi sáng dọn hàng ra đến chiều sẫm tối
dọn sách về nhà.
Khoảng chừng một tuần lễ sau thì số tiền
vốn trong túi của tôi đã sạch nhẵn! Đền bù lại, sách trong nhà và ngoài chỗ tôi
bán thì giống như là một "kho sách" để chuẩn bị mở một tiệm bán sách.
Tôi cẩn thận phân loại sách quý ra riêng, kế đến sách mà tôi ao ước có được, cuối
cùng sách với tất cả đủ mọi đề tài mà tôi nhận diện được tác giả vào thế hệ của
tôi và rồi cất tất cả loại sách trên ở nhà… Để dành riêng cho mình! Ngoài những
phân loại kể trên, còn bao nhiêu thì tôi chở đi, chở về hàng ngày ra chợ để
"bán" được ký lô nào hay ký lô nấy vì chỉ thấy “mua” mà không có
"bán" thì làm sao có tiền?!?!
Dần dà sau một tháng ngồi chợ, tôi đã có
những mối khách quen mua giấy vụn của tôi: Những bà bạn hàng bán xôi, bán chạp
phô! Đến lúc này thì quả thật lòng tôi cảm thấy xốn xang vô cùng khi nhìn thấy
chị bán xôi xé từng trang sách ra để kẹp chung với miếng lá chuối và gói xôi mỗi
sáng! Chữ nghĩa phải long đong đến thế rồi sao? Lời hay lẽ phải, những bài học
của tâm hồn cao thượng đi về đâu sau khi đã trở thành mảnh giấy vụn gói xôi,
gói hàng tạp hóa? Tôi không là tác giả,
nhưng tôi biết có người đã bỏ hết cả đời ra để học hỏi, để thu thập kiến thức
và cuối cùng viết sách: Đứa con tinh thần của mình chào đời. Muốn viết một
trang giấy, hẳn người cầm bút đã phải đọc 100 trang giấy trước đó, chắt lọc
tinh túy người xưa để hiến dâng cho đời cái cốt lõi đẹp nhất của Chân - Thiện-
Mỹ qua những trang sách do mình viết ra.
Loại
sách nào của VNCH đã bị chính quyền CS đốt?
Đó là sách của miền Nam xuất bản trước
1975. Sách mà theo báo cáo của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng tại kỳ họp thứ nhất
của Quốc Hội, ngày 26 tháng 6, năm 1976 là: Việc xây dựng nền Văn Hoá mới được tiến hành trong cuộc đấu tranh quét sạch những tàn dư mà Mỹ đã gieo rắc ở miền
Nam. Đó là thứ Văn Hoá nô dịch, lai căng, đồi trụy, cực kỳ phản động.
Một hậu duệ của nhà sách nổi tiếng Mai
Lĩnh ở Hải Phòng đã kể lại cho tôi nghe rằng phong trào đốt sách chỉ là hình thức
tuyên truyền. Những ai đã sống trong ngày tháng ấy tại Saigon, sẽ thấy sách đổ
ra bán tràn ngập lề đường Lê Lợi, ngã tư Công Lý, Pasteur, Nguyễn Huệ mới biết
sách từ đâu đến! Sách của VNCH và sách in trước năm 1975 sau khi bị chính quyền
CS thu gom về thì sẽ lựa trước sách quý, giữ làm bửu bối. Sau này số sách ấy được
bán ra cho những chủ nhân sách cũ với giá ngất ngưởng trên trời! Vỉa hè sách cũ
đã trở thành nơi chốn dung thân cho những cuốn sách quý được bán như thế, cộng
thêm với số sách mà tư nhân dấu diếm được.
Chữ
nghĩa quý báu của người xưa trong tất cả lãnh vực của triết, văn chương, nghệ
thuật, sách học làm người, tự điển, hồi ký, sử địa, khoa học, kỹ thuật, tôn
giáo, những bộ Bách khoa Tự điển…v...v... không thể nào cân được! Làm sao cân
được những tấm lòng yêu chữ nghĩa? Bởi vì đã có những tác giả cặm cụi hết cả một
đời người đam mê với sách vở, nghiên cứu, sưu tầm và đúc kết lại thành sách quý
như cụ Vương Hồng Sển, nhà văn Sơn Nam... rất nhiều tấm lòng đã đau đáu với gia
tài chữ nghĩa của dân tộc, nên đã miệt mài với sách vở dẫu phải đi qua những
năm tháng tận khổ của đời mình. Kho sách
60 tấn của nhà sách Khai Trí ở địa chỉ số 60- 62 đường Lê Lợi, Saigon bị tiêu hủy
… Hẳn chủ nhân: Ông Nguyễn Hùng Trương bị bắt trong chiến dịch Tháng Tư 1976 và
đưa đi “cải tạo” vì tội "biệt kích văn nghệ". Hiệu sách Khai Trí đổi
tên thành nhà sách Sài Gòn và Fahasa đã phải điếng lòng và ngậm ngùi xót xa vô
vàn, để ngàn đời sau vẫn không nguôi nỗi hận! Và khoảng 180 chục triệu cuốn
sách đủ loại ở miền Nam và còn biết bao nhiêu sách vở ở tỉnh lẽ đã cùng chung số
phận?
Có
những quyển sách đã ra đời trước khi tôi sinh ra, thậm chí tuổi thọ của sách
vào thế hệ ông nội, ngoại! Giấy đã ngả vàng, rất dòn và từng trang rời rạc từ
gáy sách. Tuy nhiên, những quyển sách như thế lại được chủ nhân đem đến bán cho
tôi với tất cả sự "trịnh trọng", họ không nhét bừa quyển sách vào cái
giỏ vơ vẩn nào, mà lại để trong những cái cặp da rất cũ kỹ. Đa số họ vào tuổi
trung niên và hình như họ rất ngần ngừ khi trao sách cho tôi!?! Mãi đến bây giờ
tôi mới ngộ ra được điều ấy: Họ đã yêu quý một tác phẩm giá trị, mua nó hay được
tác giả quý tặng, để dành như của gia bảo, rồi đến một ngày tang thương của đất
nước, vì miếng cơm manh áo, họ phải lìa
xa nó để cứu đói!
Trong
số sách xưa cũ, tôi nhận ra những quyển sách của thế giới học đường: Sách giáo
khoa. Một cái học dang dở để các cô cậu học trò phải bán sách của mình để đổi
cơm áo! Thương thế hệ non trẻ ấy quá, chưa vui trọn vẹn hết được những ngày
tháng làm học trò thần tiên mà nay phải rời ghế nhà trường. Các em đến bán sách
cho tôi với dáng vẻ dường như mắc cỡ, rụt rè...và rươm rướm nước mắt kể tôi
nghe: Ngày mai gia đình em đi kinh tế mới, nên em hết được đi học rồi! Tôi nghe
mà như sấm động ngang trời, tóc em còn xanh màu mơ ước, bàn tay em vẫn còn là
bàn tay của mực tím mà sao lại đổi đời nhanh thế hả em? Có giống như phận đời
tôi không? Vâng, tôi cũng vậy thôi!
Thật
xót xa cho những trang sách đã phải dãi nắng, dầm mưa như tôi, để rồi từ những
trang giấy mượt mà chữ nghĩa nay ướt nhòe nhoẹt. Những con dấu thân tặng ở đầu
trang sách hay con dấu của một cơ sở cũng đẫm nước mắt như tôi! Con dấu mà tôi
thấy được nhiều nhất là con dấu của nhà sách Khai Trí - là một tiệm sách nổi tiếng
ở Saigon mà không một người Việt Nam không từng nghe tiếng! Thôi thì, thời
thế... thế thời phải thế: Từ tiệm sách đến sạp bán sách, kệ sách, gian hàng
sách, quầy hàng sách cho đến chợ sách hay tồi tệ nhất là chỗ bán sách của tôi
đã là nơi ngự trị của kiến thức và hồn dân tộc Việt Nam trong chữ nghĩa đầy
nhân bản vẫn còn nguyên giá trị của nó. Cuộc đời của những tác giả rồi sẽ trở về
cát bụi, nhưng đời sách thì vĩnh viễn. Muôn đời sách vẫn thủy chung với người
yêu quý sách và nhất là chung thủy với tác giả đã sinh ra nó, bởi vì tác giả đã
đãi vàng trong cát để viết thành sách.
Con
đường nào cho một dân tộc để "Khai Dân trí - Chấn Dân khí" khi mọi
tri thức đã bị lên án,vùi dập, ruồng bỏ và thiêu hủy? Hồn sách luôn tinh tươm
như ngày sách chào đời, dẫu thời gian có làm sách trông thật thiểu não, xộc xệch
hay rách bươm. Sách và người đọc bên
nhau như tri kỷ, lặng lẽ bên nhau mà không cần lên tiếng. Sách là quá khứ, hiện
tại và cả tương lai trong không gian ấy, mà độc giả là những người đã thầm ghi
lời "Châu phê" trong tâm tưởng để thẩm định giá trị của sách.
Đọng
lại thời gian, kho tri thức ấy nay hồn phách thành tro bụi giữa phố thị, giữa
tiếng reo hò, cổ vũ của những kẻ cuồng vọng, manh tâm phá hủy một cơ đồ, một
kho tàng tình tự dân tộc. Trang lịch sử sẽ khắc ghi thời điểm sách hóa thân
trong đống lửa bạo tàn ấy và những kẻ đã khởi động thảm họa đốt sách sẽ phải đền
tội với tiền nhân và cả thế hệ hậu sinh, bởi đốt sách là ngu dân, là tuyệt lộ
văn hóa của một dân tộc… Ngọn lửa hận thù sẽ không bao giờ thiêu hủy được nguồn
cội của kiến thức, của tinh hoa một dân tộc được gói ghém trong từng trang sách
với biết bao nhiêu ấp ủ, hoài vọng của các tác giả trải qua thế hệ bao đời từ
ngàn năm lập quốc.
Đốt
tinh hoa tri thức của VNCH đi rồi, những trang sách quý không còn nữa, liệu có
phải những tri thức ấy cũng sẽ chìm dần vào quên lãng không? Không! Ngàn lần
không! Bởi vì đọc sách sẽ như là chiêm nghiệm vị trà ngọt còn đọng lại sau ngụm
trà ấm. Ai sẽ là người bảo tồn văn hóa miền Nam sau những lần đốt sách năm
1954, 1975? Sẽ là giới trí thức miền Nam, thầy cô giáo đã rời bảng phấn vì cuộc
chiến tàn trong uất nghẹn, cũng sẽ là độc giả nhìn ra được giá trị của sách in
trước năm 75, để có một câu nói rất đơn giản, nhưng đã chứng minh và thẩm định
được giá trị sách vở của nền văn học nghệ thuật trước năm 75 là: Sách in trước
năm 75 hay sách của VNCH hay sách "Ngụy" có giá trị hơn, dẫu là câu
nói ấy được phát xuất từ bên phe thắng cuộc (theo định nghĩa của họ) hay bên
thua cuộc!
Ngoài
kia trên đường phố vang động Đất Trời, hồn thiêng sông núi là tiếng reo hò cổ
vũ việc đốt sách, riêng chỗ tôi ngồi dường như là đất sụp dưới chân tôi khi biết
rằng tương lai của hằng bao thế hệ thanh niên sẽ bị thiêu hủy, bị khốn đốn sau
trận đốt sách này. Hệ lụy và sự trả giá của một cuộc chiến sẽ phải đi qua nhiều
thế hệ, nhưng thế hệ của Tháng 5, 1975 đã là một dấu ấn đau buồn cho dân tộc: Mùa thi và học trò đốt
sách! Tháng 6, hoa phượng rưng rưng màu huyết lệ...chứ không còn là màu hoa phượng
đỏ rộn ràng của tuổi học trò nữa!
Như Thương
(28 tháng 5, 2020)
Cảm nghĩ độc giả
về bài viết "Hồn sách Tháng
5" của Như Thương
Cảm
nghĩ của nhà văn Lê văn Trạch:
“Cảm nhận về Hồn Sách từ vị trí một người
bán giấy vụn, thật không có gì đớn đau và cay đắng bằng! Hằng ngày quan sát sự
biến động dịch chuyển của thị trường sách cũ, tác giả thấy rõ Hồn Sách qua người
bán người mua và cả những trang sách cũ! Tác giả có những ý tưởng lạ, khác và
không rập khuôn, đọc nhiều tài liệu nhưng chỉ sàng lọc để bổ sung ý của mình.
Những cuốn sách có thể đã bị thiêu rụi nhưng Hồn Sách thì bất diệt!”
Cảm
nghĩ của anh Võ Thành Nhân SBTN:
Một bài viết tổng hợp được nhiều data. Rất
cám ơn Như Thương.
Sẽ giữ làm tài liệu.
Many thanks.
Cảm
nghĩ của nhà văn T.Vấn (Blogger của Blog "T.Vấn & Bạn hữu"):
Bài viết rất cảm động, nhất là với những
người yêu sách (như tôi).
Đọc Như Thương, tôi có cảm tưởng mình
đang đọc chính tâm hồn mình (hồi ấy và bây giờ).
http://www.tongphuochiep.com/index.php/bao-chi/l-ch-s/31206-h-n-sach-thang-nam-nhu-thuong?fbclid=IwAR0ZYuV-cRxIc0EwOg7bLIq3g0FVzHmPT4aMUn6TnZmV9MQLawE25VceZxU
AUDIO BÀI VIẾT TRÊN
NATIONWIDE VIET HD RADIO
Source: Trường Tống Phước
Hiệp
https://nvradio.co/index.php/tru-c-den-d-c-sach?fbclid=IwAR1W09IQOdApaBgf1ewGdmfE925IMxXU_QYwh8gnTzNlpbXJtLa7Pe4JEOghttp://www.tongphuochiep.com/index.php/bao-chi/l-ch-s/31206-h-n-sach-thang-nam-nhu-thuong?fbclid=IwAR0ZYuV-cRxIc0EwOg7bLIq3g0FVzHmPT4aMUn6TnZmV9MQLawE25VceZxU
.