GƯƠM PHAI ÁNH VÀNG
Em ơi trăm nỗi bể dâu
Còn đâu tóc biếc thuở đầu sắc hương
Đất trời bụi đỏ pha sương
Một ngày anh đã dặm đường nhục vinh
Đất Nam, đất Bắc lặng thinh
Dõi trông vời vợi dáng hình Vọng Phu
Thẳm sâu tiếng núi hận thù
Sông ơi trong đục đường tù thăm nuôi
Ngậm hờn vọng ánh gươm chuôi
Giang sơn quốc biến chôn vùi nước non
Áo tù năm tháng đã mòn
Luồng, tre, đói, lạnh đêm còn lại ai
Thân cò nặng gánh đôi vai
Khóc em một gánh non đoài yêu thương
Cỏ cây chia sẻ dặm trường
Rừng sâu thăm thẳm biết đường về đâu
Bao lần nước mắt mưa Ngâu
Thăm chồng ôm nỗi canh thâu u hoài
Anh người áo trận đời trai
Trôi theo mệnh nước, gươm phai ánh vàng
Như Thương
***
Ấn vàng và kiếm bạc
Truyền thuyết về thanh kiếm và ấn của Vua Quang Trung
Tục truyền ở một làng Ba Na thượng nguồn sông Côn, từ ngàn xưa có một thanh gươm lạ. Không biết đích xác thanh gươm có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ khi các già làng thì đã thấy lưỡi gươm cắm sâu sừng sững trên một tảng đá lớn nằm ven đường dẫn đến làng. Trải bao mưa nắng, lưỡi gươm vẫn sáng chói, không hề hoan rỉ.
Dân làng truyền rằng, đây là thanh gươm quí trời ban cho người tài hiền trong thiên hạ để giúp dân dựng nước. Biết bao bàn tay tráng sĩ đã ướm vào chuôi gươm nhưng không một ai lay chuyển nổi thanh gươm. Đời này qua đời khác, chuôi gươm càng lên nước bóng loáng và lưỡi gươm sáng lòa ánh mặt trời như tỏa hào quang. Cho đến ngày kia có một người “con Kinh” ngược dòng sông Côn vì hâm mộ thanh gươm tìm đến làng. Dân làng thấy người khách lạ tướng mạo xuất chúng, thông hiểu mọi lẽ trời đất, lại ăn nói có nghĩa, có nhân, nên đem lòng kính phục và dẫn chỉ chỗ thanh gươm báu. Đến nơi, trước sự khâm phục của dân làng, người khách lạ lễ tạ mọi người rồi bước lên tảng đá ướm đặt bàn tay vạm vỡ của mình vào chuôi gươm. Khi cánh tay của người đó vung mạnh, nâng thanh gươm lên thì hòn đá rung chuyển và cả thanh gươm quí hiện ra tỏa sáng lòa trước mặt mọi người. Người tráng sĩ có sức mạnh hơn người ấy chính là Nguyễn Huệ, vốn sinh cơ lập nghiệp ở đất Kiên Mỹ, theo anh ngược dòng sông Côn đi tìm người tài hiền trong thiên hạ để mưu nghiệp lớn. Cảm phục tài năng, dân làng mời anh họ Nguyễn ở lại rồi mở tiệc khoản đãi. Quanh làng thường xuất hiện một con gà cồ to lớn khác thường sống trên trăm năm, nhân ngày vui, dân làng bèn săn con gà nọ làm thịt đãi khách quí. Khi mổ gà ra, trong bụng gà có một cái ấn lớn bằng vàng. Dân làng cho rằng đấy là điềm trời giúp Nguyễn Huệ lập nghiệp lớn, bèn cung kính dâng lên Nguyễn Huệ. Cầm ấn và kiếm trong tay, Nguyễn Huệ nói với dân làng rằng: “Trời đất đã có ý chọn ta trao ấn vàng và kiếm bạc, ta sẽ quyết qui tụ giang sơn về một mối để không phụ sự chờ mong của trăm họ và lượng cao dầy của trời đất”. Ai nấy đều tỏ lòng quy phục, muốn được theo anh em Tây Sơn dựng cờ nghĩa gây nghiệp lớn. Nguyễn Huệ hỏi già làng, trong làng có bao nhiêu người? Già làng đáp: “Phía Bắc thượng có 200 người, phía Nam thượng có 200 người, giữa làng là con sông nước chảy xiết, không ai dám qua lại viếng thăm nhau”. Nguyễn Huệ nghe vậy bèn ra sông rạch đôi dòng nước chảy xiết. Lập tức dòng nước rẽ hai bên, để hiện ra một lối qua sông rộng rãi. Từ đó dân làng càng mang ơn anh em nhà Tây Sơn, hết lòng giúp đỡ anh em Tây Sơn dương cao cờ nghĩa thống nhất sơn hà.
*****
ĐỒNG
ĐỘI ƠI!
Bâng quơ ngắm kỹ lấy bàn tay..
Phù hiệu ngày xưa nắng mưa đầy
Bấy tháng bao ngày trui rèn sắt
Chiến trường bớt máu.... luyện quân đây
Chín tháng cưu mang từ bụng mẹ
Quân trường nào kém dạ gan này
Công tử bước vào, ra dày dạn
Vững tâm bền chí hóa rồng mây
Nước đến ngang lưng giày lún ngập
Poncho thấm đẫm gió sương dày
Núi thẳm rừng sâu sông suối lội
Tréillis bạc phếch nghĩa " tao - mầy "
Chiến hữu nằm yên chờ ta nhé
Tàn kiếp nay cùng nhau .....lại sum vầy!
Nhà
thơ Thiên Phương