Wednesday, April 1, 2015

Tùy bút - HƯƠNG ÁO MẸ







 

                                                                                                            (Kính tặng Mẹ)


Kể từ mốc thời gian của Tháng Ba năm 1975, phấn son “mệnh phụ” của Mẹ đã không còn nữa... Dăm ba chiếc áo cũ lượm lại của Ngoại đắp thêm vài miếng "vá chằng vá đụp" cho những buổi chợ sớm trưa, những ngày đầm mình dưới ruộng, dưới mương.


Bất chợt một hôm Mẹ nhận được tin báo "Sẽ có đợt thả tù trong Tết này" từ những bà bạn đi thăm nuôi chồng trong trại tù "cải tạo" ngoài Bắc. Tin ấy đã vực Mẹ tôi dậy như một phép mầu. Không biết Ba tôi bao giờ về. Không biết từ trại nào về. Không biết sẽ về bằng phương tiện gì... thế nhưng lời báo tin ấy như chiếc đũa thần gõ lên định mệnh của Mẹ. Để rồi Ngoại Năm bảo Mẹ tôi: “Đi may một chiếc áo dài đi con!”.

Đó là chiếc áo dài màu lam của Phật có thêu những cành hoa lan. Chiếc áo được Mẹ chọn  màu hiền hòa, nhu mì của Phật để tạ Ơn Trên cứu mạng chồng bao lần nơi rừng sâu nước độc, được những đứa con gái của Mẹ cặm cụi, tỉ mỉ thêu từng đường kim mũi chỉ. Người thợ may trên mảnh ruộng quê nghĩ tình hàng xóm đã lấy tiền công tượng trưng, như thể là góp chút công cho người đàn bà đợi chồng về được mặc một tấm áo tươm tất mà đón chồng…. sau đằng đẵng 13 năm trời xa cách trong vòng tù ngục.

Lúc ra chợ chọn vải, Mẹ lại đắn đo: Nên mua hay là để dành tiền nuôi con, đừng mua áo nữa, dẫu tiền vải và tiền công may áo do Ngoại Năm cho Mẹ cả. Chắc là vì lòng kính Phật, thương Ngoại Năm, mà Mẹ tôi đã vâng lời hơn là nghĩ đến tấm áo mới, khi biết chắc rằng ngày Ba tôi về sẽ gầy guộc, hốc hác như bộ xương ma ở dương gian. Chứ nếu Mẹ ngần ngừ, có lẽ chẳng có chiếc áo nào "cho ra hồn" để lên chùa lễ Phật trong ngày Ba tôi về đoàn tụ gia đình cả!                       

Rồi đêm ngày Mẹ thổn thức theo từng đường kim thêu của con gái Mẹ. Bốn cô con gái ngọc ngà, tiểu thư, ngày xưa chỉ biết “chân chỉ hạt bột” với sách vở học trò, nay đã ngồi đêm ngày làm thợ thêu. Thêu áo cho người bao nhiêu năm và lần này là lần đầu tiên thêu áo cho Mẹ.

Mẹ đã cùng các con chọn mẫu thêu cho chiếc áo dài màu lam ấy, chọn hoa lan cho áo Mẹ vì đó là loài hoa mà Ba thích. Ba tôi đã hãnh diện vì công chăm sóc một giàn hoa lan đặc sản của núi rừng Banmê. Công xin với núi rừng những cành phong lan trên đường hành quân của Ba và các chú lính, công khó leo lên hái lan- gỡ sao cho khéo, lấy cả rễ già, rễ non... Rồi chúng theo nhau về phố trên những chiếc ba lô, chiếc xe GMC vương đầy bụi đỏ đường xa. Phong Lan Rừng về đến phố thị thì trở thành những đóa lan vương giả với những cái tên thật đài các như Hoàng thảo, Ngọc Điểm, Nghinh Xuân, Bạch Hạc, Chu Đinh, Giáng Hương, Bạch Câu, Dã Hạc, Phi Điệp, Hoàng Phi, Hoàng Lạp... Gửi lại cho rừng đại ngàn tên gọi "Phong Lan Rừng" thân thương của thuở hồng hoang bạt ngàn.

 Mẹ đã mất hết tất cả những chiếc áo dài ngày xưa Ba sắm cho Mẹ sau trận giặc năm 1975, nhưng hơn 10 năm sau, khi may chiếc áo dài lam Phật, Mẹ vẫn chọn chiều cao của cổ áo... như thuở xưa, thuở Ba còn bên cạnh Mẹ, không hề thay đổi cổ áo cho hợp thời điểm ấy. Có ai thấu hiểu được chiếc cổ áo dài 3 phân ấy là một phần cuộc đời của Ba Mẹ không? Sự chung thủy quả thật đã thử thách một người phụ nữ, để chẳng đơn giản cho con thuyền của một người đàn bà có chồng trong ngục tù Cộng sản, chiếc thuyền ấy tròng trành giữa đêm tối mênh mông bão tố của vận nước đến lúc cạn cùng trong uất hận và oan khiên.

Ngày Mẹ đi may chiếc áo dài, tóc người vẫn còn lọn dài, lọn ngắn - trắng nhiều hơn đen pha lẫn nhau - búi vội vàng sau gáy người phụ nữ độ tứ tuần. Mái tóc uốn quăn ngăn ngắn cho gọn kể từ khi Mẹ lấy chồng đã dài theo năm tháng ở ruộng và ngấm nước phèn chua mằn mặn, nên đã quên mất hương bồ kết với chanh, quên hết sợi mềm, quên cả gương lược thời Mẹ nhan sắc khi về với Ba, để rồi mái tóc khô khốc ấy trộn lẫn màu đất nâu, vàng hoe của những cơn nắng đổ lửa, lẫn màu trắng bạc của thời gian.

Mái tóc chải chuốt ngày xưa giờ đã lệch ngôi rẽ, khi Ba tôi đi biền biệt qua những trại tù... Gió bụi đường xa của những lần thăm nuôi nằm bờ nằm bụi, nắng mưa cuộc đời đổi thay, của thương hải tang điền. Những vất vả, bươn chải của tay nách một bầy con thơ tám đứa, còn có tâm trí và thời gian đâu để mà nhớ đến mái tóc.

Tất cả đã làm tôi có cảm tưởng như Mẹ chỉ còn cái xác, còn phần hồn đã gởi đi mãi tận những nơi mang danh địa ngục xa lạ nghìn trùng: Trại 3, trại 7 Hoàng Liên Sơn, trại Vĩnh Quang (Vĩnh Phú), Trại Hàm Tân Z 30 D …v...v..., nên từ đầu đến chân Mẹ là một “mớ” khổ trần ai ráp nối nhau để đi, để đứng, để nằm ngồi, chứ không còn là một con người với tâm thân nhất quán nữa!

Cô thợ may đo ni áo cho Mẹ xong nhìn lại khuôn mặt Mẹ sạm vì nắng và những vết hằn ngang trên trán, chợt nhìn mái tóc Mẹ rồi buột miệng hỏi: "Dì Tư muốn cắt tóc lại cho gọn để mặc áo dài đón dượng Tư về không, con cắt cho!". Cuối cùng Mẹ tôi đã uốn tóc lại như ngày xưa trước khi chồng đi tù và lòng thì nghẹn ngào xen lẫn nỗi mừng vui đợi chồng về - hay nói đúng hơn là "... sống sót trở về từ lao tù Cộng sản...".

Thời con gái eo thon của Mẹ đã qua trong chén tình bén duyên, đến thời gian hạnh phúc được làm Mẹ, sinh nở từ vòng eo nhiệm mầu mà Thượng đế ban cho người phụ nữ. Vòng eo ấy đã có lúc từng nách con chạy giặc, từng khệ nệ thúng lúa, thúng khoai nuôi con nên người, nay trải qua vòng eo của người vợ đợi chồng qua tấm áo lam. Mẹ trong chiếc áo dài màu lam ẩn dấu chữ Tình, chữ Nghĩa, chữ Thương... mà quên đi chữ Riêng Mình!

Khi chiếc áo thêu và may xong, Mẹ ướm thử một lần ở tiệm may, rồi giặt và xếp lại cẩn thận, bỏ trong bao nylon... chờ đợi người về! Kể từ đấy Mẹ lại càng đi hỏi han tin tức nhiều hơn, làm quen với tất cả những người đi thăm nuôi tù "cải tạo", bởi cái tin dạo nọ đã như ngọn lửa âm ỉ trong lòng Mẹ từng giây, từng phút... Ngày qua ngày, tuần qua tuần và tháng này qua tháng nọ, Mẹ tôi vẫn không nản lòng đi tìm kiếm, nghe ngóng, chờ đợi tin tức người cha ở trong rừng. Tìm qua lời kể, tìm qua linh tính rằng chuyện chồng về sẽ có thật! Chiếc áo màu lam như một lá bùa thiêng mà Ơn Trên ban cho Mẹ "Áo của Phật", nên Mẹ tin rằng sẽ còn gặp Ba như một sự đền bù khổ nạn 13 năm trời của hai người.

Và cũng từ đấy, những buổi chợ của Mẹ là những buổi chiều về muộn màng hơn để kiếm thêm vài đồng lẻ, lời nài nỉ mua hàng ế đã lay động lòng người, để rồi về nhà dấm dúi cất để dành... đợi chồng về! Chiếc áo dài mới may được xếp vuông vắn bên cạnh chiếc túi nhỏ cất những đồng tiền lẻ ấy như một hình ảnh hồi sinh của Mẹ. Còn những chiếc áo Mẹ mặc thường ngày khô ướt với bùn sình đồng ruộng, mủ chuối, mủ cau hay những vết máu khô của con cá lóc, cá trê của những buổi chợ, những con cá từ mẻ chài lưới, tát đìa, tát mương của con, thì Mẹ lại dửng dưng phơi nó dưới những ngày nắng khô hạn hay lúc mưa dầm dề trên sân phơi lúa. Có ai biết những chiếc áo ấy cũng mặn dòng nước mắt khóc thầm khi ngóng chồng, nhìn đàn con dại ngủ chen chúc nhau trên chiếc giường ọp ẹp trong một mái nhà tranh giữa đồng không mông quạnh?

Không còn gần nhau để Ba thấy Mẹ vai gầy theo năm tháng. Không còn gần nhau để Mẹ săn sóc Ba qua chiếc nút đơm tươm tất cho chiếc áo lính trận sau mỗi lần Ba đi hành quân về, thế nhưng cả Ba và Mẹ đều có nhau... Để có lần Mẹ ra thăm nuôi Ba ở rừng núi Việt Bắc, Mẹ đã thúc hối Ba: "Anh mặc hai chiếc áo em may vô người đi, kẻo chúng nó thấy anh có nhiều áo quá thì lấy bớt, rồi làm sao anh đủ áo mặc trong bao nhiêu năm sau nữa. Em không biết năm sau có ra thăm anh được nữa không... bỏ đàn con ở nhà em sợ điều may rủi, còn để anh một mình ngoài chốn rừng sâu núi thẳm này thì em lo!".

Trái tim Mẹ đã đợi "chồng về" từ "Mười- Ba-Năm" trước - trong một lần Ba dặn: "Anh đi 1 tháng rồi về, em ở nhà trông con và giữ gìn sức khỏe, anh sẽ về!..."

"Mười-Ba-Năm" mà tôi viết trong dấu ngoặc kép là nỗi đoạn trường của một "người vợ tù cải tạo" là khúc đời gãy đôi của hai người bạn lòng đang độ xuân sắc, mặn nồng, là đôi bờ cách ngăn và vọng tưởng, là chữ "Sống" và chữ "Chết" về trong ý nghĩ của đôi vợ chồng trong từng ngày dài, từng đêm trắng...

"Mười-Ba-Năm" phu phụ vẫn một lòng bên nhau, dẫu áo Ba mặc trên người hay đem theo đã mòn, đã sờn, đã rách và cả những chiếc áo Mẹ may thế mạng Ba giữa rừng đã không còn nữa; dẫu biết bao nhiêu chiếc áo của Mẹ đã trôi theo dòng đời bươn bả nuôi con, duy chỉ có chiếc áo dài màu lam Phật này là linh thiêng nhất, bởi nó đã vượt qua biết bao khúc khủyu cuộc đời để sống còn.

Ngày Ba về - trong hương áo Mẹ, vai áo dài lam không là vai thuôn mà là vai gầy, vai áo của Ba lại nhô lên dáng xương xẩu như chứng tích của những năm tháng lưu đày, tù tội. Ba Mẹ đã ôm vai nhau khóc thật lâu trước những đôi mắt ngây thơ của ... "đàn con tám đứa" và khóc trong hương tình chung thủy của đôi vợ chồng từ thuở tấm mẳn đến hồi gian nan, đoàn tụ.

Tôi quay lại, chợt thấy Ngoại Năm đứng đó tự lúc nào, đang kéo vội vạt áo lên, lau đôi mắt già nua …
                                                                                                                       Như Thương