Lê
Hữu & T.Vấn: Đọc Lục Bát của Như Thương
http://t-van.net/?p=18443
Giới Thiệu:
Như Thương, nhà thơ nữ quen thuộc
của TV&BH lại vừa cho ra mắt một tập thơ. Tập “ Bụi Đỏ Si Mê “ gồm hơn 100
bài thơ, in trên giấy màu lụa, đẹp, sang, là tập thứ sáu kể từ năm 2004. Có
lẽ Như Thương là một trong vài cây bút hiếm hoi có sức sáng tác thơ không biết
mệt mỏi, bất chấp ngòai kia người đọc ngày càng ít, mà người đọc thơ lại càng
vắng vẻ đìu hiu hơn bao giờ hết. Hình như với nàng, khi làm thơ là khi nàng hóa
thân thành thơ. Bài thơ hòan tất, cũng là khi sự hóa thân đã khép lại trong
khỏanh khắc đó, để rồi ở lần hóa thân mới, lúc tứ thơ hiện đến, nàng lại trở
mình là một với thơ. Phần thưởng lớn nhất của thi sĩ nàng đã nhận được trong
lúc hóa thân thành thơ, thì sá gì sự ghẻ lạnh của người đời, sự thờ ơ của dòng
sống vội vã, vốn chỉ có thể dừng lại ở cuối đời, khi sức tàn hơi mỏi, ngỏanh
nhìn lại ngày hôm qua, mới thấy mình cay mắt vì chút bụi đỏ một thời si mê đã
theo gió bay đi (với người). Có lẽ, chỉ khi ấy, đời sống mới nhận ra sự cần
thiết của Thơ, phần tinh túy nhất của con người, mà trân trọng nàng chăng, chứ
còn bây giờ thì . . . ?
Từ gần hai năm nay, khi Như Thương
đến với TV&BH, cứ mỗi tuần, trang thơ của Như Thương lại thêm một bài thơ
mới. Đều đặn. Cần cù. Bền bỉ. Mỗi bài thơ mới là một trọn vẹn từ hình thức đến
nội dung. Cái trang trọng của mỗi bài thơ nàng gởi khiến người biên tập – là
tôi – chỉ cần làm công việc đơn giản là đưa bài thơ vào thế giới mênh mông gởi
hương cho gió qua vài động tác quen thuộc cắt, dán rồi lên giàn. Bằng những
phương tiện kỹ thuật của người điều hành trang Web TV&BH, tôi biết rằng
hàng đêm bướm từ khắp bốn phương đã nghe hương đậu lại vườn hoa thơ Như Thương
để hút . . . nhụy, thứ nhụy của hoa thơ càng hút càng tỏa thêm hương đậm đà.
Trong số hơn 100 bài thơ của tập “
Bụi Đỏ Si Mê “, hầu như tất cả đều là lục bát. Trong số tất cả những bài thơ
của Như Thương giới thiệu trên Góc Thơ của TV&BH, tất cả đều là lục bát.
Trong một bài giới thiệu thơ của Ngô Tịnh Yên nhiều năm trước (Mụ phù thủy và đôi môi
mềm-T.Vấn) tôi đã viết “Lục Bát như cô gái vừa đẹp, vừa
duyên dáng mặn mà nhưng cũng khá là đỏng đảnh. Lần đầu tiên đến với thơ, người
ta tưởng chừng như dễ dàng chinh phục được nàng Lục Bát. Nhưng không phải vậy.
Càng lưu luyến với thơ, càng thấy rằng khó mà đến gần được cái hồn của Lục Bát. Cái mà Thi sĩ Luân Hoán gọi là ”uyên nguyên căn bản“. Từ xưa tới nay có bao
nhiêu người làm thơ, nhưng chạm tay được vào Lục Bát – theo tôi – không hẳn là
có nhiều. Với tôi, Ngô Tịnh Yên chỉ cần kiễng chân lên một chút nữa là có thể
với tới được cái hồn Lục Bát mà nhiều người làm thơ thèm khát.. . “. Có lẽ
tôi cũng sẽ nói như vậy về Lục Bát của Như Thương . Nhưng bảo rằng “kiễng chân”
là “với tới được “ thì e rằng động tác “kiễng chân “ hơi gượng ép. Mà hồn thơ
(Lục Bát ) vốn “đỏng đảnh “ thì càng cố “kiễng chân”, hồn thơ càng rướn mình
bay cao hơn nữa . Thôi thì cũng chỉ là một cách “nói” để tỏ lòng trân trọng tâm
hồn mong manh dễ vỡ của người thơ, hồn thơ, kẻ mang thông điệp của tình yêu
bằng hình thức tinh túy nhất của nhân lọai là ngôn ngữ thơ.
Để nói về ngôn ngữ thơ (lục bát) của
người thơ Như Thương, bài phụ lục kèm theo dưới đây
(cũng là bài Tựa cho tập
thơ “ Bụi Đỏ Si Mê” ) của tác giả Lê Hữu, người có khả năng tinh tế nhìn thấy
ngọc trong đá, chắc hẳn sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn diện mạo thơ Như Thương,
người thơ sầu mộng muôn đời mà bất cứ ai đọc thơ Như Thương đều có thể hình
dung ra, liên tưởng tới.
Độc giả của TV&BH muốn có tập
thơ, có thể liên lạc với nhà thơ Như Thương qua địa chỉ :
Như Thương
6242 NW 38th Dr.
Coral Springs. FL 33067
E-mail : huong10356@yahoo.com
T.Vấn
Tháng 7 năm 2014
Phụ Lục:
“Thành phố bụi đỏ” trong thơ Như Thương
Lê Hữu
Dạo sau này tôi ít có đọc thơ và
cũng ít đọc trọn tập thơ nào. Dường như những bài thơ hay ngày càng ít đi. Lâu
lâu “bắt” được một bài thơ hoặc một câu thơ hay thật thú vị. Một bài thơ hay
không bao giờ cũ, như cái đẹp còn ở lại với ta mãi.
Thường, tôi đọc thơ rất chậm. Thơ
không thể nào đọc nhanh được, tôi cho là vậy. Thơ không thể đọc vội vã, gấp
gáp, đọc lướt qua như là đọc các mẩu tin chính trong tờ báo hàng ngày. Thật khó
mà đọc và thưởng thức thơ theo lối ấy. Tôi chắc những người làm thơ cũng ít ai
muốn thơ mình được đọc theo lối ấy. Đọc thơ, tôi đọc thong thả như là “nhấm
nháp” thơ, nhấm nháp từng ngụm trà, từng ngụm café, từng mẩu bánh, để kéo dài
thêm ra cái thú thưởng thức thơ thật chậm rãi, thật từ tốn. Thơ đọc theo cách
ấy có vẻ dễ “ngấm” hơn, có vẻ “ngon” hơn và có vẻ “thơ” hơn.
Tôi gần như đã đọc thơ Như Thương
theo cách ấy, và “bắt” được những câu thơ hay cũng bằng cách ấy.
Thế nhưng, biết thế nào là bài thơ
hay, câu thơ hay? Khen một bài thơ hay cũng giống như khen một bức tranh đẹp,
dễ rơi vào chủ quan. Vậy thì, câu thơ hay hẳn là câu thơ tôi thấy hay và nhiều
người yêu thơ khác cũng… thấy hay. Chẳng hạn những câu thơ như thế này:
Dường như cô bé rất hiền
tay ngoan cặp sách, mắt viền ngây thơ
Dường như ai đó tình cờ
theo chân guốc nhỏ bất ngờ sau lưng… (Tiểu Thư)
tay ngoan cặp sách, mắt viền ngây thơ
Dường như ai đó tình cờ
theo chân guốc nhỏ bất ngờ sau lưng… (Tiểu Thư)
Chữ “ngoan” dùng như là động từ ấy
nghe hay hay, là lạ, và chỉ thấy trong thơ Như Thương (những người làm thơ khác
chắc sẽ viết “tay ôm cặp sách”). Và động từ “viền” ấy nữa, nghe rất mới,
rất lạ. Đến hai chữ “bất ngờ” trong câu thơ cuối thì thật… bất ngờ, cứ như là
bất ngờ quay lưng lại bỗng giật mình thấy anh chàng đứng sau lưng mình từ lúc
nào. Tôi chợt nhớ ra có người nhạc sĩ cũng từng sử dụng thật tài tình hai chữ
“bất ngờ” ấy trong câu hát tôi rất thích, “Ru em lòng chợt từ bi bất ngờ”
(“Ru em”, Trịnh Công Sơn).
Trong những trang thơ của Như Thương
ta vẫn bắt được những câu thơ hay đến… bất ngờ như thế, như là:
Lạ chưa ánh mắt vô cùng
Lặng im, nhưng đã nghìn trùng có nhau
Lặng im, nhưng đã nghìn trùng có nhau
Nên duyên e ấp má đào
Gót chân em chợt lao đao hồn người
Gót chân em chợt lao đao hồn người
Hai chữ “vô cùng” ấy nghe thơ… vô
cùng. Lại còn “nghìn trùng có nhau” nữa, tưởng như không có cách nói nào hay
hơn và thơ hơn. Đến hai chữ “lao đao” ấy thì thật… chết người. “Lao đao hồn
người”, tôi chưa nghe ai nói thế bao giờ. Nói “lao xao”, “xôn xao” hoặc “nôn
nao” chẳng hạn nghe cũng hay vậy, nhưng không thể nào hay bằng “lao đao” được.
Hoặc là:
Em, hồn cánh mỏng. Lòng ta
men theo lối cỏ một tà áo vương… (Áo Quỳ Vàng)
men theo lối cỏ một tà áo vương… (Áo Quỳ Vàng)
Động từ “men” trong câu thơ ấy nghe
rón rén, dìu dặt và rất thơ. “Dấu nối” chữ thứ sáu và chữ thứ bảy trong câu thơ
(tà/áo) nghe vừa “mướt” vừa vương vấn, vấn vương.
Cũng đâu phải chỉ có “một tà áo
vương”. Tôi nhớ, trong lúc đi tìm những câu thơ “minh họa” vẻ đẹp mềm mại và
trữ tình của chiếc áo dài phụ nữ truyền thống của người Việt mình, tôi bắt gặp
những câu lục bát thật là đẹp trong thơ Như Thương.
Thôi như chiếc lá vàng rơi
Áo bay theo gió hát lời bình yên… (Áo Bay)
Chưa hết:
Thôi thì anh, cánh chim bay
Em tà áo mỏng theo mây nghìn trùng… (Vàng Thu)
Em tà áo mỏng theo mây nghìn trùng… (Vàng Thu)
Áo bay mịt mù theo gió theo mây, như
cánh chim đã bay mất, như tình đã vụt bay.
Vẫn chưa hết:
Giữ hương gió của đêm qua
Giữ em một thoáng áo tà mỏng bay
Giữ câu lục bát như mây
Giữ trăng sao của đắm say đất trời… (Vòng Xoay)
Giữ em một thoáng áo tà mỏng bay
Giữ câu lục bát như mây
Giữ trăng sao của đắm say đất trời… (Vòng Xoay)
Tôi hiểu vì sao nhiều người yêu
thích thơ lục bát của Như Thương. Những câu lục bát cũng mềm mại, cũng dịu dàng
như vạt áo dài lay động nhè nhẹ trong gió chiều.
Phải chi quá khứ về gần
tháng năm đã chẳng bâng khuâng bốn
mùa
Phải chi mưa chẳng là mưa
chỉ phơn phớt nhẹ cho vừa nhớ nhau…
Phải chi lá chẳng nhuộm vàng
mùa đông quên bẵng dịu dàng môi em… (Quá Khứ)
Đôi lúc, ta còn gặp những câu thơ
thật “lạ”, đọc lên nghe như là… “tách trà thơm nở hạt thiền trong veo”.
Em về với lọn tóc mai
Ngồi bên đồi lá nhớ hoài biếc xanh
Mai kia chồi nhú trăm nhành
Bạt ngàn ấp ủ hóa thành trà hương
Ngồi bên đồi lá nhớ hoài biếc xanh
Mai kia chồi nhú trăm nhành
Bạt ngàn ấp ủ hóa thành trà hương
Nắng, mưa, sương của Vô Thường
Ta-Em hội ngộ quãng đường tâm duyên
Ta-Em hội ngộ quãng đường tâm duyên
Đất Trời mở cõi uyên nguyên
Tách trà thơm nở hạt thiền trong veo… (Hạt Thiền Trong Veo)
Tách trà thơm nở hạt thiền trong veo… (Hạt Thiền Trong Veo)
Nhiều lắm, kể mãi không hết, những
câu thơ trong vắt “trong veo” như thế. Nhưng thôi, còn phải… để dành cho người
đọc của Bụi Đỏ Si Mê nữa chứ.
Thế nhưng, vì sao lại là “bụi đỏ si
mê”?
* * *
Thơ em là giọt nắng
của chiều hoàng hôn rơi
Thơ em là giọt mưa
của đêm buồn rưng rức
Nàng thơ Như Thương từng có lần tự
giới thiệu về thơ mình như vậy. Những giọt nắng vàng phai của buổi chiều
tàn và những giọt mưa đêm lặng lẽ rơi xuống thành phố nhỏ êm đềm ở Florida–quê
hương thứ hai của nhà thơ–cũng đánh thức những nhớ thương dịu dàng về thành phố
nào xa xăm trong trí tưởng. Ban-mê-thuột, với biệt danh “Buồn-muôn-thuở” nghe…
buồn buồn làm sao, và với vẻ đẹp của những bông dã quỳ hoang dại mọc lên khắp
miền đồi núi, như tấm áo màu vàng rực khoác lên thành phố miền cao nguyên đất
đỏ ấy, từ thuở nhà thơ còn là cô nữ sinh hay mơ hay mộng và… chớm biết yêu.
Hôn em, vàng nụ dã quỳ
Nụ tình thơ, độ xuân thì năm xưa
Sân trường áo trắng sớm trưa
Lối mòn đất đỏ, cho vừa yêu em
Ngoan ngoan cặp sách êm đềm
Trang thơ tình bỗng chợt mềm trái tim
Nụ tình thơ, độ xuân thì năm xưa
Sân trường áo trắng sớm trưa
Lối mòn đất đỏ, cho vừa yêu em
Ngoan ngoan cặp sách êm đềm
Trang thơ tình bỗng chợt mềm trái tim
Cô bé “ngoan ngoan cặp sách êm đềm”
ấy, cô nữ sinh áo trắng Như Thương ấy từng sống những năm tháng tươi đẹp nhất
của một đời người nơi thành phố ấy, nơi sân trường lớp học ấy, nơi cô đã hái
những “nụ tình thơ” đầu tiên của mối tình đầu thuở học trò còn in dấu trên
những “lối mòn đất đỏ” thân quen.
Thế rồi, một ngày kia, những năm
tháng êm đềm vụt biến mất. Cơn bão tàn khốc của lịch sử đã cuốn phăng đi tất
cả. Thế rồi, một ngày kia, cô đành bỏ trường bỏ lớp, bỏ lại sau lưng thành phố
thương yêu đầy ắp những kỷ niệm, bỏ lại sau lưng những cánh đồng dã quỳ màu
vàng rực hoang dại. Cô đi biệt, đi mãi không về, để bao người mỏi mắt trông
chờ.
Thôi ta như cánh hoa vàng
đợi em về lại ngắm hoàng hoa xưa… (Dã Quỳ)
Cô đi biệt, đi mãi không về, mang
theo cả những câu thơ bụi đỏ.
Theo chân em thánh lễ tình
Phố xưa, bụi đỏ, lời kinh Chúa hiền
Em quỳ dáng mỏng nghiêng nghiêng
Thế gian mở cửa vô biên khôn cùng… (Thánh Lễ Tình)
Như Thương, cô yêu “thành phố bụi
đỏ” của cô hơn bất cứ ai yêu thành phố ấy, tưởng như trong trái tim cô vẫn luôn
có ngăn nào đó cất dấu chút “bụi đỏ” của thành phố “Bụi-mù-trời” mà một phần
đời của cô còn gửi lại chốn ấy. Nếu quả là như vậy thì cũng chẳng tổn hại gì
cho trái tim cô, hoặc nếu có chỉ làm cô… làm thơ hay hơn mà thôi.
Tôi tin rằng, những ai từng có một
thời tuổi trẻ sống sôi nổi, yêu thiết tha nơi thành phố “cao nguyên nắng bụi
mưa bùn” ấy, nơi mùa mưa đất bùn đỏ quạch và mùa nắng có những cơn lốc xoáy
cuốn tung bụi đỏ, sẽ tìm thấy trong Bụi Đỏ Si Mê những câu thơ làm “lao
đao hồn người”.
Cái tựa là lạ của tập thơ làm tôi
nhớ tới những câu hát quen thuộc trong một tình khúc nào khá phổ biến ở miền
Nam ngày xưa ấy.
Hôm nay đường này / cây cao hàng gầy
/ đi quanh tìm hoài
Ai mang bụi đỏ đi rồi / ai mang bụi
đỏ đi rồi…*
Nét láy mềm mại ở nốt nhạc “bụi
đo… ỏ…” và câu hát cuối cứ lặp đi lặp lại, nhỏ dần, nhỏ dần với nhạc điệu
buồn buồn, nghe như một nỗi gì nuối tiếc xa xôi. Tôi chắc trong số những người
yêu thơ Như Thương, những người cầm trên tay tập thơ này sẽ có không ít những
chàng trai phải “Anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ”, và “đi quanh tìm hoài”
vì… “ai mang bụi đỏ đi rồi”.
Lê Hữu
4/2014
* Ngày xưa Hoàng Thị, nhạc
Phạm Duy (phổ thơ Phạm Thiên Thư)