Wednesday, October 1, 2014



Như Thương – Mười năm với hồn thơ lục bát
 
clip_image002




 
Tôi thích đọc thơ, đọc để thưởng thức như nghe một bản nhạc, như xem một trang văn, như ngắm một bức họa, như coi một bức hình. Và thời buổi này khi thế giới ảo lấn át thị trường chữ nghĩa thì muốn thưởng thức trọn vẹn các lọại hình nghệ thuật không đâu bằng tìm đọc các website văn học, nơi tổng hợp và minh họa sinh động các hoạt động văn nghệ đương thời mà các Chủ biên chuyên nghiệp tùy giao diện định hình trong không gian ảo chỗ này Góc Văn, chỗ kia Góc Thơ, nơi Góc Nhạc, chỗ studio ảnh, chốn dành cho tranh… rồi để tự độc giả tùy khẩu vị lướt mạng tìm xem thể loại nào mình thích, tác giả nào mình ưa, bài vở tư liệu mình đắc ý hoặc muốn tham khảo.

Từ nhiều năm nay tôi hay đi tìm những tác giả mới, đặc biệt các cây viết nữ để xem giới trẻ thế hệ sau chúng tôi có cách nhìn nào mới, có sáng tác nào hay, có thông điệp nào cần gởi gấm trong lãnh vực văn học, thì điều đáng mừng các trang văn trên mạng đáp ứng khá nhanh nhạy nhu cầu này, nổi trội vẫn là Da Màu dẫn đầu về phát hiện nhiều cây viết nữ, sau là vài diễn đàn tôi có dịp cộng tác trong đó có T.Vấn & Bạn hữu.

Cũng từ trang nhà tôi thấy bóng dáng một cây viết nữ có bút danh Như Thương, mà qua dòng tiểu sử từng là cựu nữ sinh của một trường trung học xứ Buồn Muôn Thuở, cách gọi thi vị của một thành phố cao nguyên mà ai cũng biết tên.

Tôi nhớ mài mại tên cô như là một cây bút có thơ đăng trên diễn đàn đâu đó, khá ấn tượng với những dòng lục bát, nhưng không ngờ là một tác giả đã có nhiều tác phẩm Thơ tình xuất bản từ mười năm nay. Cho đến hai năm trở lại đây, cô về ‘đầu quân’ cho TV & bh, bài vở gần như xuất hiện thường xuyên trên căn bản mỗi tháng vài ba lần. Có điều Góc Thơ của ông Chủ biên T.Vấn nằm ẩn mình ở góc kín, lẽ ra phải gọi là Gác Thơ, nên độc giả yêu thơ phải chịu khó lên lầu.

Lên lầu, tình cờ được xem nhiều bài của Như Thương, một cây bút sáng tác rất khỏe và gần như chuyên trị thể loại lục bát, một thể thơ mượt mà phong phú rất phổ biến trong dân gian, nhưng muốn sáng tác cho hay thì đa phần thường là những nhà thơ cao thủ.

Như Thương dám chọn và say mê lục bát dù tài năng chỉ là cây viết không chuyên. Cô làm thơ hình như để thổ lộ nỗi niềm, nỗi lòng thì đúng hơn của một cô gái gần như suốt thời niên thiếu chỉ sống quanh khung cảnh của núi rừng, của suối nước, của bạt ngàn nương rẫy, của bụi đỏ quanh năm, vô tình là chứng nhân của một cuộc chiến khốc liệt mà sau này mất Buôn Hô (cha cô có thời làm quận trưởng) là mất Buôn Mê Thuột, mất BMT là mất cao nguyên, mất cao nguyên đi dần đến mất nước. Chưa kể sau ngày tàn cuộc, cô vẫn ở lại thành phố này và chứng kiến bao cảnh éo le của cuộc sống cho đến ngày đi Mỹ khi cha cô là cựu tù cải tạo dắt díu nhau về định cư tại Florida.

Đọc thơ của Như Thương tôi cảm thấy chưa đủ, còn muốn tìm hiểu thêm khi thấy tên thật của cô trùng họ một người đàn anh có thời làm quận ở cao nguyên, kiểm chứng điều này tôi có e-mail và được T. Vấn chuyển tiếp

Có một cây bút thân hữu nhắn hỏi riêng Như Thương,
“Như Thương là ai? Không hiểu có liên hệ gì với ông quận Phạm Đình Tr…, đội mộc?
Thơ hay, viết đều, và có tấm lòng…”
Như Thương trả lời được không?

Được biết ông cụ nay đã 84, trí nhớ đã lẫn lộn do hệ lụy của những ngày lao động kiệt sức cùng trại với anh em chúng tôi.

Tản mạn ít dòng về nhân thân của Như Thương e hơi quá đà khi viết về một cây viết nữ, nhưng trong tình thân, NT cũng không ngại và không cảm thấy mếch lòng khi mười năm rồi mà vẫn còn có người hỏi… Như Thương là ai?

Bây giờ thì đã biết tác giả là ai. Còn Thơ thì sao. Như cảm nhận ban đầu, Thơ hay, viết đều, và có tấm lòng. Hay ở chỗ là có hồn, tràn đầy cảm xúc. Viết đều là thói quen của những người vừa giàu cảm hứng vừa thích làm thơ. Người có tấm lòng vì không chỉ viết cho mình mà luôn trăn trở cảm thương cho nhiều số phận khác.

Lục bát viết rất khó, khó ở chỗ là phải có hồn, nếu không dễ thành vè. Tôi nhớ có lần làm một bài thơ viết về thành phố tôi yêu, tôi gửi đăng ở một chỗ khác, nhưng cũng gửi tặng T.Vấn cùng cáo lỗi không dám gửi cho trang nhà vì thấy…chưa đủ tiêu chuẩn. Được chủ biên hồi đáp khen bài thơ có hồn và xin để post lại trên mục ‘vòng quanh thế giới ảo’…cho vui. Nói ra điều này để thấy tôi đánh giá cao chất lượng thơ và các cây bút có thơ trên TVBH, nơi Như Thương được độc giả ân cần đón nhận và được Chủ biên rất sành thơ (lại kén thơ hay) không ngại thường xuyên chọn bài của cô.

Mưòi năm với hồn thơ lục bát qua 6 tác phẩm thơ liên tục ra mắt (không kể một tập truyện ngắn) phải nói Như Thương đã tự khẳng định tài năng của mình khi lấy thơ làm không gian gửi gấm, lấy vần điệu lục bát làm phương tiện chuyên chở, lấy chủ đề xoay quanh cõi tình làm chủ điểm, lấy ký ức từ thành phố bụi đỏ làm nền cho thơ, và mặc nhiên lấy cảm xúc của những năm tháng tươi đẹp nhất của đời người con gái trong bối cảnh một quê hương tan nát như chất liệu gắn kết cho dòng thơ của cô tràn chảy không ngưng nghỉ suốt mười năm qua.

Chính vậy mà cô viết rất khỏe, rất đều, viết để tâm tình, viết để chia sẻ, có lúc dùng thơ như một phương pháp trị liệu, vịn vào thơ để vượt qua trọng bệnh, coi thơ như chốn nương thân, vùi quên nỗi nhớ, bôi xóa ưu phiền, tăng thêm sức sống, chỉ như vậy mới có khả năng và tâm huyết để sáng tác đều đặn và ra mắt độc giã bốn phương những dòng lục bát không hề sáo mòn, trùng lặp, chẳng hề gò bó, cách tân. Tôi phục cô ở ý chí vượt thắng và coi cô như một nhà thơ nữ có bản lãnh.

Tuy nhiên bài viết không có dụng ý phê bình hay đánh giá thơ NhưThương mà chỉ nhằm chuyển tải vài cảm nghĩ vụn nhân đọc và thấy gần gũi với những dòng thơ của một tác giả xuất hiện trên văn đàn hải ngoại như một nhà thơ thuộc thế hệ mới. Nhạc và nhiếp ảnh cũng là hai loại hình nghệ thuật cô yêu. Vài nhạc sĩ tâm đắc đã phổ thơ của Như Thương. Tôi cũng không lạ khi nhà nhiếp ảnh tài hoa Hương Kiều Loan đã lấy bài thơ Tháng Ba, Ban Mê của NT làm nền cho một pps để tưởng nhớ người em út của bà, một sĩ quan biệt động quân đã hi sinh giữa tháng ba nơi thành phố bụi đỏ cũng là ngày thất thủ Ban Mê, một bài thơ nghe nổi da gà mà chỉ có chứng nhân của những ngày cao nguyên tan tác mới thể hiện nổi.

Để khép lại bài viết xin mời độc giả lên Gác Thơ và ghé thư phòng của tác giả
Em từ áo lụa lệch xô
Bước ra lục bát, bước vô cõi tình
để hòa nhập với hồn thơ lục bát và thấm đậm cõi tình của người thơ đất Ban Mê…

Đỗ Xuân Tê
Cali, ngày chớm thu 2014