Monday, September 14, 2020

Như Thương & Bài viết "Nhà văn Nguyễn Thanh Việt nói gì về giải Pulitzer và các cuốn tiểu thuyết của mình?

Giang Nguyễn
2020-09-12

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt


Giải Pulitzer là giải thưởng hàng năm của Đại Học Columbia trao cho những tác phẩm được xem là có giá trị nhất trong lãnh vực báo chí, văn học.

Hội đồng giám khảo giải Pulitzer hôm 8/9/2020 cho biết, đã chọn Nhà văn Nguyễn Thanh Việt vào hội đồng. Như vậy nhà văn Nguyễn Thanh Việt là người Mỹ gốc Châu Á đầu tiên trong hội đồng. Năm 2016, ông đã nhận giải Pulitzer cho tiểu thuyết đầu tay, The Sympathizer, dịch tiếng Việt là Cảm tình viên. Ông hiện giảng dạy tại Đại học USC ở Nam California.
Giang Nguyễn đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Việt.

Giang Nguyễn: Trước hết, xin chúc mừng Gs. Việt đã được bầu vào hội đồng giám khảo giải thưởng Pulitzer. Gs Việt biết được tin tức như thế nào, nó có là một bất ngờ đối với ông?

Nguyễn Thanh Việt: Không, họ đã yêu cầu tôi phục vụ trong hội đồng này vài năm nay, nhưng tôi đã quá bận rộn vì như tôi đã nói với họ, tôi đang cố gắng hoàn thành cuốn tiểu thuyết tiếp theo của mình. Khi tôi hoàn thành, tôi cảm thấy mình đã không còn bao biện được nữa và tôi phải chấp nhận. Đó không phải là một bất ngờ, nhưng vẫn là một vinh dự khi được nhận vào vị trí này.

Giang Nguyễn: Gs Việt là người Mỹ gốc Châu Á và là người Mỹ gốc Việt đầu tiên trong hội đồng. Điều này có ý nghĩa gì đối với Giáo sư nói riêng?

Nguyễn Thanh Việt: Tôi đã giành được giải thưởng Pulitzer. Chính điều đó đã tạo nên sự khác biệt lớn về danh tiếng của một tác giả và doanh số bán sách. v.v. Rõ ràng giải Pulitzer được đánh giá cao tại Mỹ, và cả ở ngoài nước Mỹ. Giải thưởng này nặng cân về giá trị văn hóa. Tôi biết điều này vì sau khi tiểu thuyết Cảm tình viên giành được giải thưởng Pulitzer, đột nhiên rất nhiều người liên lạc với tôi, những người chưa từng đọc cuốn sách, và có thể sẽ không bao giờ đọc cuốn sách, nhưng rất tự hào khi có một người Việt Nam đoạt giải. Tôi đã được nghe từ rất nhiều người ở Việt Nam cũng như người Việt ở hải ngoại.

Vì vậy, mặc dù họ có thể không đọc được tiếng Anh, dù họ có thể không ở Hoa Kỳ, họ biết về danh tiếng của giải thưởng. Điều đó thực sự quan trọng. Và việc trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên trong hội đồng chấm giải cũng rất quan trọng. Bởi vì chúng ta đều biết rằng các giải thưởng thường không chỉ được trao trong một môi trường trung lập mà trong một môi trường, nơi đó các giám khảo với những thành kiến của họ, nguồn gốc của họ, quan điểm của họ sẽ định hình quyết định của họ. Vì vậy, nếu chúng ta muốn có giải thưởng ghi nhận những tiếng nói đa dạng và những trải nghiệm đa dạng, chúng ta cần có những ban giám khảo và hội đồng giải thưởng đa dạng. Thật đáng buồn khi hội đồng giám khảo giải Pulitzer không có một thành viên người Mỹ gốc Á nào trước tôi. Tôi không nghĩ mình xứng đáng với vinh dự đó, nhưng tôi rất vui để nhận vai trò đó nhằm mang lại thêm sự chú ý đến nhu cầu cần thiết của sự đa dạng trong các hội đồng và các ban giám khảo.

Các giải thưởng thường không chỉ được trao trong một môi trường trung lập mà trong một môi trường, nơi đó các giám khảo với những thành kiến của họ, nguồn gốc của họ, quan điểm của họ sẽ định hình quyết định của họ.

Giang Nguyễn: Nhắc đến điều này, thời gian qua có rất nhiều thảo luận về nhu cầu đa dạng hóa trong truyền thông và trong những mẫu chuyện được kể hoặc không được kể. Vậy Giáo sư nhận xét thế nào về vai trò của mình trong hội đồng, trong bối cảnh cần mang lại nhiều tiếng nói đa dạng hơn cho nhiều độc giả hơn không?

Nguyễn Thanh Việt: Hội đồng Pulitzer đưa ra quyết định cuối cùng về các khuyến nghị mà các ban giám khảo đề xuất cho họ. Vì vậy, tôi nghĩ nơi can thiệp hoặc cuộc trò chuyện đầu tiên phải là ai sẽ có mặt trong các ban giám khảo giải thưởng, cả về giới tính, các nguồn gốc khác nhau, v.v. Và sau đó sẽ đến cuộc thảo luận về cuốn sách hoặc bài báo hoặc bộ truyện nào sẽ nhận được giải thưởng, đó là lúc hội đồng giám khảo quyết định dựa trên các đề xuất này. Và ở đó, tôi nghĩ rằng, có những tiếng nói có thể giải thích được vì sao phải nhận thức được các loại câu chuyện khác nhau, các loại kinh nghiệm khác nhau, là điều quan trọng.

Tôi nghĩ đó, một phần, là vai trò mà tôi sẽ mang đến cho hội đồng giám khảo. Nhưng cũng có những thành viên hội đồng khác, xuất thân từ những hoàn cảnh đa dạng, và tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều nhận thức được nghĩa vụ này, là nhắc nhở nhau và cho chính bản thân là thế giới này đầy những con người khác nhau với những trải nghiệm khác nhau. Điều đó cần được phản ảnh và thể hiện trong truyền thông báo chí, và kể cả trong nghệ thuật.

Giang Nguyễn: Bây giờ đã là năm 2020 nhưng chúng ta, những người da màu hoặc những người có những trải nghiệm khác với xu hướng chính thống, vẫn phải phấn đấu để giải thích hay “thông dịch” những câu chuyện của mình cho các biên tập viên chính thống hoặc những người không hiểu nó. Gs Việt có lời khuyên gì cho những nhà văn da màu hoặc những nhà văn với những hoàn cảnh khác dòng chính? Giáo sư nói với họ những gì?

Nguyễn Thanh Việt: Có nhiều thay đổi từ khi tôi là một nhà văn đầy khát vọng và là một người trẻ tuổi. Mọi thứ tốt hơn một chút, chúng tôi có nhiều hình mẫu hơn, chúng tôi có nhiều tác giả xuất bản hơn với các nguồn gốc khác nhau. Nhưng tôi vẫn nghe những câu chuyện các bạn gặp phải: nào là những rào cản, người gác cổng, và sự thiếu hiểu biết từ các biên tập viên, nhà xuất bản, đại lý, nhà phê bình, v.v... về những câu chuyện độc đáo mà những nhà văn này muốn kể. Vẫn còn nhiều vấn đề nghiêm trọng. Bạn hãy lấy cảm hứng là đã có những người từ cộng đồng của bạn đã xuất bản, hoặc từ các cộng đồng khác, mà bạn có thể cảm thông. Cá nhân tôi chẳng hạn, tôi đã lấy nguồn cảm hứng lớn từ các nhà văn người Mỹ gốc Phi và tôi nghĩ về sự cam kết lâu nay của nền văn học Mỹ gốc Phi, trong việc kể những câu chuyện của người da đen.

Vì vậy, các mô hình đã có, cánh cửa đã được mở. Đã có nhiều người phải phấn đấu trước đây, và bạn không đơn độc trong việc này. Bạn có thể tiếp cận và tìm kiếm các cộng đồng văn học đó, giống hệt như bạn hoặc gần giống như bạn để hình thành một sự đoàn kết hỗ trợ cho bạn, và cho bạn biết rằng bạn không điên khi muốn kể câu chuyện của bạn. Thật sự bạn không điên, khi bạn kể về trải nghiệm độc đáo của bạn!

Vấn đề không phải ở bạn. Đúng là bạn sẽ phải trở thành nghệ sĩ hoặc nhà văn giỏi nhất có thể. Nhưng đôi khi vấn đề là ở những người khác. Khi họ gặp một câu chuyện, cho dù được viết hay đến mấy đi nữa, khi nó xuất phát từ trải nghiệm mà họ chưa từng nghe trước đây, họ có thể quay lại với một số định kiến cơ bản của con người và sự thiếu hiểu biết. Thật không may, tất cả chúng ta đều gặp phải điều đó. Đối với mỗi một người, mỗi một công đồng có được bước đột phá, nó cũng sẽ giúp những người khác đột phá.

Giang Nguyễn: Tôi muốn hỏi về cuốn tiểu thuyết đầu tay, Cảm tình viên, của Giáo sư. Nó đã được đón nhận ở Việt Nam như thế nào?

Nguyễn Thanh Việt: Khi tôi bắt đầu viết cuốn Cảm tình viên, tôi biết tôi sẽ làm tổn thương rất nhiều người. Đó là điều tôi cân nhắc trước. Bởi vì nội dung của tiểu thuyết rất nhạy cảm đối với nhiều cộng đồng, cộng đồng người Mỹ, người Việt, người Mỹ gốc Việt. Cái mà tôi muốn là viết một tiểu thuyết không đứng về một bên và nói, bên này đúng, bên kia sai. Lý do vì sao cuộc chiến này là một thảm kịch là vì rất nhiều người đã cam kết làm điều chính nghĩa. Nhưng nếu chính nghĩa của bạn hoàn toàn trái ngược với chính nghĩa của người khác, thì bạn sẽ giải quyết như thế nào? Thực tế của vấn đề là nó không thể giải quyết được, ngoại trừ bằng chiến tranh.

Hy vọng của tôi là tôi sẽ không viết một cuốn tiểu thuyết chỉ đơn giản cho rằng quan điểm của người Mỹ gốc Việt đúng và người Cộng sản sai, hoặc ngược lại. Tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết cho người Việt Nam, nhưng là một tiểu thuyết nói lên sự thật theo quan điểm của tôi, ngay cả khi sự thật đó làm đau lòng.

Đối với chúng tôi, những người Việt Nam thuộc bất kỳ phía nào, tôi nghĩ rằng chúng tôi cảm thấy điều này một cách rất mật thiết. Nhiều lúc, chính gia đình của chúng ta bị phân chia, và hiển nhiên, đất nước bị chia cắt. Sự chia rẽ này vẫn còn tồn tại đối với rất nhiều người ở cả Việt Nam và hải ngoại. Vì vậy hy vọng của tôi là tôi sẽ không viết một cuốn tiểu thuyết chỉ đơn giản cho rằng quan điểm của người Mỹ gốc Việt đúng và người Cộng sản sai, hoặc ngược lại. Tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết cho người Việt Nam, nhưng là một tiểu thuyết nói lên sự thật theo quan điểm của tôi, ngay cả khi sự thật đó làm đau lòng. Và điều này đã xảy ra. Rất nhiều người Mỹ gốc Việt đã từ chối đọc cuốn sách vì nó được viết dưới góc nhìn của một điệp viên Cộng sản, mặc dù anh ta là một điệp viên bất nhất.

Ở Việt Nam thì tiểu thuyết này đã phải đi chặng đường rất khó khăn để dịch và xuất bản, bởi vì có rất nhiều phần trong đó chỉ trích chủ nghĩa cộng sản, Đảng Cộng Sản, và chính sách sau chiến tranh. Đó là ý nghĩa của việc nói sự thật. Bạn sẽ làm tổn thương mọi người từ mọi phía.
Đối với những người Việt từ những nguồn gốc khác nhau đã đọc cuốn sách, phần lớn, ít nhất là những người đã liên hệ với tôi, đều nói rằng họ hoan nghênh những gì cuốn sách nói lên. Bởi vì cuốn sách là sự tái hiện lịch sử này từ một góc nhìn của người Việt Nam, bất chấp những ý thức hệ mà chính quyền Việt Nam và cộng đồng hải ngoại đã cố gắng áp đặt. Tôi nghĩ rằng những câu chuyện đã được kể ở Việt Nam, bởi những người chiến thắng và những câu chuyện được kể ở hải ngoại bởi những người chiến bại, tất cả đều quan trọng. Nhưng họ có một điểm chung là từ chối lắng nghe phía đối phương.

Tiểu thuyết này cố gắng lắng nghe và nói về cả hai phía và những độc giả đã liên hệ với tôi đều chia sẻ họ rất xúc động vì điều đó. Một điều nữa cũng gây xúc động cho tôi là gặp gỡ những độc giả đã trải nghiệm qua thời đại này. Một số người đã liên lạc với tôi và nói rằng, bạn đã nắm được đúng chi tiết, như về Ngày Sài Gòn sụp đổ. Vì vậy tôi nghĩ rằng nếu độc giả sẵn sàng tiếp cận nó với một tâm hồn cởi mở, gạt bỏ một số giả định về ý thức hệ và định kiến, thì họ sẽ thấu hiểu được tiểu thuyết này.

Nào, ở Việt Nam, thì phản ứng dĩ nhiên là rất phức tạp, vì vấn đề chính trị, nhà nước và đảng. Chúng tôi đang trong giai đoạn cuối cùng để nó được chấp thuận xuất bản tại Việt Nam.

Tiểu thuyết Cảm tình viên của nhà văn Nguyễn Thanh Việt 
đoạt giải thưởng Pulitzer vào năm 2016. Viet Thanh Nguyen


Giang Nguyễn: Vậy Giáo sư đã hài lòng với bản dịch…?

Nguyễn Thanh Việt: Quá trình dịch thuật đã tốn nhiều năm. Rất nhiều năm. Vấn đề là một cuốn sách xuất bản ở Việt Nam không như một cuốn sách xuất bản ở Mỹ hay ở Pháp. Cần phải có nhiều lớp phê duyệt và việc cố gắng đưa cuốn sách đến đúng tay người có quyền phê duyệt và chịu phê duyệt nó, là một thử thách. Tôi chỉ muốn nói như vậy thôi trong giờ phút này. Chúng tôi có bản dịch, chúng tôi có bìa, chúng tôi cần sự phê duyệt cuối cùng. Mong rằng điều này sẽ sớm xảy ra.

Giang Nguyễn: Được biết là Giáo sư đang hoàn thiện tiểu thuyết tiếp theo. Giáo sư có thể cho biết thêm?

Nguyễn Thanh Việt: Tiểu thuyết đã hoàn thành và sẵn sàng để tung ra. Nó có tên là The Committed. Dự tính ban đầu là sẽ ra mắt vào tháng 10, nhưng vì COVID, thời hạn xuất bản đã bị lùi sang tháng 3. Về cơ bản, trong phần kết thúc của The Sympathizer, nhân vật cảm tình viên vẫn sống. Khi nói như vậy, chắc hẳn tôi không “bật mí” điều gì mới ở đây. Anh ta trở thành cái mà chúng ta gọi là Thuyền nhân. Anh ta lại bỏ trốn khỏi đất nước, và anh ta đi đâu? Chúng ta không biết.

Tôi không có ý định viết phần tiếp theo, đó không phải là kế hoạch từ ban đầu. Nhưng khi tôi viết xong Cảm tình viên, tôi nghĩ rằng câu chuyện của nhân vật này chưa hết. Vẫn còn nhiều điều để nói về anh ấy, vẫn còn nhiều điều để nói về nền chính trị và lịch sử mà anh ấy tham gia. Và tôi không muốn anh ấy trở về Hoa Kỳ, anh ấy đã đến đó rồi. Vì vậy, cuốn tiếp theo đưa anh đến Paris của năm 1982, và đề cập đến một di sản thuộc địa khác của người Việt chúng ta, mà người Pháp đã để lại ở Việt Nam. Thêm vào đó, có cộng đồng người Việt Nam rất lớn và sôi động ở Paris.
Tôi muốn đặt bối cảnh cuốn sách ở đây để điều tra về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Pháp, chủ nghĩa thực dân Pháp. Nhưng cũng có một nền văn hóa rất khác ở đây mà người Pháp gốc Việt đã xây dựng. Rất khác so với những gì chúng ta thấy ở Hoa Kỳ, khác biệt trong chính trị, khác biệt về ý tưởng. Tôi thấy điều này tuyệt vời. Với The Sympathizer, tôi đã thành công trong việc làm tổn thương rất nhiều người Mỹ, và bây giờ trong The Committed, tôi đang cố gắng làm tổn thương người Pháp, bằng cách nói những gì tôi cho là sự thật về chủng tộc, chủ nghĩa thực dân và nước Pháp. Những di sản vẫn tồn tại cho đến ngày nay ở nước Pháp, bất kể bao nhiêu người Pháp muốn từ chối nó.

Giang Nguyễn: Tôi rất mong được đọc nó và tôi mong được nghe thêm những tin vui từ Giáo sư. Tôi nghĩ mọi người đang đặt rất nhiều hy vọng và nhận được rất nhiều cảm hứng từ Giáo sư. Tôi nghĩ đây là một việc làm rất quan trọng. Cảm ơn Giáo sư Việt.

Nguyễn Thanh Việt: Cảm ơn Giang, rất vui được nói chuyện với bạn.

SOURCE:

***

Như Thương (Florida) viết comment:

Tôi xin thành thật chúc mừng nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã đoạt giải thưởng Pulitzer và cũng xin cám ơn ông Giang Nguyễn đã phỏng vấn tác giả.
Trong bài viết phỏng vấn này, có một câu viết đã làm tôi suy nghĩ lan man: "...nếu chúng ta muốn có giải thưởng ghi nhận những tiếng nói đa dạng và những trải nghiệm đa dạng, chúng ta cần có những ban giám khảo và hội đồng giải thưởng đa dạng. Thật đáng buồn khi hội đồng giám khảo giải Pulitzer không có một thành viên người Mỹ gốc Á nào trước tôi...."
Nỗi buồn của ông thật đáng trân trọng và đã làm tôi chạnh lòng!

Có thể tôi viết ra điều này thật mạo muội: Một cuộc chiến khốc liệt, bất phân thắng bại thường được giải quyết bằng ... một cuốn tiểu thuyết!!! Ý nghĩ ấy đã làm tôi nhớ đến những quyển sách như "The Lotus and the Storm" - Lan Cao, "Boat People" (Thuyền nhân) - Carina Hoàng , “Doctor Zhivago” - Boris Pasternak, "Uncle Tom's Cabin" - Harriet Beecher Stowe, “The Gulag Archipelago”- Aleksandr Solzhenitsyn.
Đó là những tác phẩm ẩn hiện bức tranh cuộc nội chiến của Mỹ, cuộc chiến kỳ thị chủng tộc giữa người da trắng và da đen, cuộc chiến giữa những người dân Nga trong gọng kềm cs, cuộc chiến sinh tử trên đại dương khi thoát thân từ chế độ cs...

Tôi là người của thế hệ "Gãy Khúc" năm 1975, chợt nhìn lại cuộc chiến VN và mong ước được đọc một tác phẩm... mở ra cái gút thắt của cuộc chiến bất phân thắng bại đó. Tại sao bây giờ tôi định nghĩa cuộc chiến VN là cuộc chiến bất phân thắng bại? Vì sau gần nửa thế kỷ, người trong cuộc, người ngoài cuộc, người thắng cuộc, người thua cuộc đều chưa cam tâm ai thắng, ai bại, vẫn còn "đánh nhau" - kể cả đồng minh và kẻ đứng ngoài lề cuộc chiến. Đó là cái GÚT THẮT OAN NGHIỆT của một dân tộc!

Cái gút thắt do Cs thế giới đã làm ra và dẫn cả thế giới hỏa mù cuộc chiến để không ai hiểu chính xác về cuộc chiến VN và đẩy dân tộc Việt Nam đã sống với dòng chảy xiết từ thời Hán thuộc đang đến cận kề vực xoáy để rồi sẽ nhấn chìm cả một dân tộc đáng thương!

***


.