Monday, October 28, 2019

NGƯỜI QUẢ PHỤ NỬA THẾ KỶ


Như Thương
(Kính tặng bà quả phụ Mũ Đỏ Nguyễn văn Thảo)


Bà quả phụ Lê Thị Sẻ mang di ảnh của chồng, Mũ Đỏ Nguyễn Thảo,
một trong 81 hài cốt tử sĩ VNCH.
 (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


"Anh ơi, cho tui nhìn một chút..." giữa đám đông người ồn ào bỗng dưng có một giọng nói thất thanh đã làm tôi hoảng hốt! Đó là giọng nói trong vô thức, chứ không phải là giọng nói bình thường. Tôi quay lại tìm người đàn bà nói giọng Huế ấy: Người quả phụ vấn khăn tang đang cầm di ảnh chồng hồi còn trẻ!

Tim tôi thắt lại khi nhìn thấy khuôn mặt khắc khổ của người đàn bà có lẽ ngoài 70 và hai bàn tay gân guốc ôm chặt khung hình một người lính rất trẻ chính là người đã phát ra âm thanh ấy: Bà quả phụ Nguyễn văn Thảo - nhũ danh Lê thị Sẻ, bà đã đến từ Virginia. Chồng bà năm xưa đã là một trong 81 người lính Nhảy Dù đã tử nạn trên đường đi công vụ tại Tuy Hòa năm 1965.

Tôi không định nghĩa được đó là một câu nói, một lời uất nghẹn hay là một âm thanh bật khóc giữa chiều tà...không khóc, nhưng đôi mắt già ngấn lệ rưng rưng … dường như tôi thấy trong mắt bà là hình ảnh người chồng năm xưa trở về, rồi bà nói trong vô thức "Chồng tôi là Nguyễn văn Thảo, số quân..." khi chiếc quan tài của hài cốt 81 Tử sĩ Nhảy Dù đang đi ngang chỗ bà đứng...vói tay để được chạm chiếc quan tài, nhưng không vói tới và bà buột miệng nói câu nói ấy bằng một giọng Huế buồn như tiếng hò sông Hương…



Photo by Như Thương


Photo by Như Thương

Lặng người đi - tôi chợt hiểu người quả phụ đã nén lòng trong nỗi đoạn trường của 54 năm để rồi hôm nay bà thật sự là người quả phụ vấn tang chồng!

54 Năm để ôm ấp, gìn giữ một tấm hình xưa, để nhớ số quân của một người chồng là lính, để vò võ nuôi con và để làm người cô phụ phòng không chiếc bóng!
Mái tóc Huế của bà đâu rồi? Nét thanh xuân của bà cũng chẳng còn nữa, nó đã trôi theo năm tháng khi chiến tranh đã làm phân ly hạnh phúc đầm ấm của bà trong oan nghiệt. Bà và con gái đã trôi giạt và làm gì trong khoảng thời gian mà người chồng lính trận là cột trụ đã ra đi và không trở về lại với mái ấm gia đình?

"Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi"
(Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn - Đoàn thị Điểm)

Trong 54 năm sắt son với hai chữ Phu Phụ ấy, bà đã bao lần đếm những mùa trăng đi qua đời son trẻ của riêng mình, nhận được giấy Báo Tử chồng từ đơn vị - vì gia đình ở trong khu Trại Gia Binh, nhưng trong sâu thẳm thì bà vẫn cầu mong chồng chỉ bị VC bắt làm tù binh. Bà chưa bao giờ nhìn được mặt chồng lần cuối và được một lần theo chân quan tài tiễn chồng đi...

Trong lòng bà là huyệt mộ thăm thẳm nghìn trùng, để khi biết trong chiếc quan tài có di cốt cùng với bạn đồng ngũ của chồng, bà đã thảng thốt níu kéo lại hình ảnh của người chồng dấu yêu..."ANH ƠI..." tiếng gọi mà đã bao năm rồi bà không còn được gọi … Vâng, 54 năm! Tiếng gọi yêu thương ấy đã về với bà trong những đêm trường và chỉ riêng bà nghe vọng lại tiếng gọi ấy, chứ không còn nghe được lời đáp lại của chồng nữa khi vòng tay ôm đứa con gái thơ dại chỉ mới 11 tháng tuổi.

Giây phút này bà biết mình đã thật sự đội tang, được đứng nơi đầu quan tài và được biết "Mộ Phần" của chồng ở chốn này! Xa xót quá! Tôi không thể hình dung ra được điều gì đã làm cho một người đàn bà chờ chồng đăng đẵng nửa thế kỷ như thế...

Một nhúm xương hòa lẫn cùng cát bụi đã trở thành điều gì đó rất đỗi linh thiêng đối với bà - vì bà đã từng lạy tạ người của nhúm xương ấy để thành Chồng Vợ. Phải chăng đó là "Trái tim thủy chung người chinh phụ" đã dẫn đường và dìu bà vượt qua những thăng trầm sóng gió kể từ khi bà mất chồng? Hẳn bà đã hãnh diện khi được làm vợ một người trai hùng của bao trận mạc trước khi tử nạn, để vẫn nhớ nằm lòng số quân của chồng.  

Tạ ơn tấm lòng son sắt của một người vợ lính.
Nguyện cầu hương hồn người lính trận sẽ luôn phù hộ và bảo bọc bà cho đến cuối đời.
Xin thắp nén hương lòng kính viếng người lính Việt Nam Cộng hòa Vị Quốc Vong Thân: NGUYỄN VĂN THẢO.
Đồng kính viếng Hương linh những Thiên thần Mũ Đỏ thuộc Đại Đội 72, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù đã tử nạn cùng chuyến bay với Mũ Đỏ Nguyễn văn Thảo.

Xin được tiễn các Anh về với trời mây thênh thang như cánh Dù giữa không gian mà các Anh đã chọn cho cuộc đời binh nghiệp của mình. Xin Các Anh yên nghỉ ngàn đời... Ở một nơi nào đó trên không trung, các Anh sẽ gặp lại các cấp chỉ huy trong binh chủng Nhảy Dù như Tướng Trương Quang Ân và phu nhân, Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tướng Ngô Quang Trưởng, Mũ Đỏ Hạ Lào Nguyễn văn Đương... 

Còn bao nhiêu quả phụ khác nữa của những người đã nằm xuống trong số 81 Tử sĩ Dù này không biết được tin chồng, không biết được việc "Vinh danh, Truy Niệm và An táng" người thân yêu của mình tại nơi đây?

Và còn bao nhiêu người lính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh và mất xác cùng với cát bụi, đạn bom để các Anh mãi mãi không có được một mộ phần, thay vào đó là thân xác các Anh đã được Đất Mẹ Việt Nam ôm mãi nghìn thu.
Đoạn trường thay!

TỔ QUỐC GHI ƠN CÁC ANH NGÀN ĐỜI


Photo: Nhiếp ảnh gia Hiển



BIA MỘ NGHÌN THU
(Kính dâng hương hồn 81 Tử sĩ Dù Vị Quốc Vong Thân)

Đây hài cốt người lính Dù: An nghỉ
Phủ cờ vàng - màu Tổ Quốc thân yêu
Núi rừng xưa vắng hồi kèn tử sĩ
Tiễn biệt Anh ... lặng âm điệu Quốc thiều

Đất Hawaii lưu dấu người viễn xứ
Bao nhiêu năm xa quê Mẹ thăng trầm
Ai tang vấn phút giây người sinh tử
Tạ lỗi Anh - nén hương muộn khóc thầm

Hồn phách ấy. Vẫn oai linh lẫm liệt
Mở cánh Dù bao chiến trận xông pha
Ngày vong mệnh gió mây trời thương tiếc
Những Thiên Thần Mũ Đỏ buổi can qua

Người lính trận chào cánh Dù bất tử
Tên tuổi Anh khắc bia mộ nghìn thu
Đền nợ nước- Anh tròn lời phụng sự
Vĩnh biệt Anh - 81 Tử sĩ Dù

Như Thương









                                                                                          

Thursday, October 17, 2019

VỖ ĐI SÓNG BIỂN...

.


VỖ ĐI SÓNG BIỂN...

Đợi ta Thơ nhé, Tình ơi
Quê hương ngụp lặn, biển khơi sóng cuồng
Lục bình bứt rễ cội nguồn
Trôi đi muôn ngả, lòng buồn xót xa
Đã dừng... lặng buổi can qua
Mà sao vẫn thấy những tà áo sô
Trắng khăn tang vạn nấm mồ
Ai người cô phụ, trẻ mồ côi cha
Vẫn người tù ngục trẻ, già
Đàn buông tiếng khóc nhạt nhòa điệu ru
Ru tình non nước nghìn thu
Núi sông gấm vóc trăng lu mái đình
Bao giờ quê mẹ yên bình
Bốn ngàn năm đã muôn nghìn đa đoan
Hỡi rừng, hỡi núi … vang vang
Vỗ đi sóng biển dặm ngàn biển Đông

Như Thương


.