Thursday, December 29, 2011

ĐÔI DÉP CỦA MẸ


                                                                                                                    
            Gần Tết rồi, khu chợ Bà Chiểu rộn rịp từ đầu xóm đến cuối xóm, lúc mới hừng sáng 4, 5 giờ đến quá nửa khuya vẫn còn tiếng người, tiếng xe vang động ngõ hẻm.
            Lẫn trong tiếng rao hàng điểm tâm sớm mai của thằng bé bán bánh mì "miiiiii…ì…dòn đâ…â…yyyy ..." là tiếng xe kẽo kẹt trên con đường đất đá lởm chởm của thím Chín đẩy xe bán cơm tấm bì (nồi cơm thơm phức thoang thoảng với mùi thịt sườn nướng mằn mặn ngậy mùi hành tỏi, lẫn với mùi chả nướng, hũ nước mắm, dưa chua cũng bị đánh thức và khuấy động theo động tác đẩy xe), lại thêm tiếng bà bán bánh canh rao hàng độc đáo"Canh đây" (thế mà ai cũng biết là bà bán món gì - bánh canh giò heo!). Tất cả ba người đều đi vào con ngõ thật đúng giờ như một thời khóa biểu cố định, dẫu thời tiết mưa hay nắng và người hai bên xóm cũng canh họ đúng giờ như vậy để mở cửa mua thức ăn điểm tâm nóng hổi cho gia đình nhanh gọn mà không phải chạy ra chợ mua.
            Bao nhiêu năm đã qua, thằng bé bán bánh mì ngày càng lớn thêm, hai người đàn bà - thím Chín cơm tấm và dì Hai bán bánh canh đã già đi, màu áo họ mặc đã thay đổi từ màu sáng, son trẻ sang màu sậm của tuổi trung niên, nhưng cái gánh của họ vẫn chừng ấy, vẫn thủy chung với cuộc đời họ và với khách hàng già trẻ lớn bé. Họ như thể là một phần hồn của cái xóm nhỏ quen thuộc này, để hôm nào thím Chín hay dì Hai bệnh không đi bán là cả xóm nháo nhào lên và nếu sau dăm ba bữa cảm mạo, thím hay dì đi bán lại thì bà con hàng xóm lại xúm xít nhau ăn cơm, mua bánh canh nhiều hơn ... để hỏi han bệnh tình. Thím Chín và dì Hai chắc bây giờ đã thành bà nội, bà ngoại rồi cũng nên, nhưng họ vẫn nấn ná nơi đây từ thuở còn con gái đến giờ, nó gần gũi và thâm tình như cây mai cổ thụ trước sân nhà thím Chín vậy ... mai nở, mai tàn, mai rụng ... rồi cội, cành lại nhú lá non, nẩy mầm nụ cho mùa Xuân năm sau mà không biết mỏi mệt, hững hờ nhìn thời gian xoay vần theo vũ trụ, bình thản xem vạn vật và con người loay hoay với tháng ngày.
            Cuối xóm mấy ông đàn ông xúm xít gỡ hàng rào cũ ra thay hàng rào mới hay sơn phết lại cái cổng gỗ ọp ẹp chắn ngang ngõ vào cửa cái, dăm ba ly xây chừng hay tiếng khề khà ngửa cổ nốc cạn chung rượu đế cũng được dịp hội ngộ nhau sớm tối. Xôm tụ hơn là lũ con nít được sai vặt trong chuyện lau bàn thờ và đánh bóng bộ lư hương để rồi mặt mũi, quần áo đứa nào đứa nấy lem luốc màu đồng đen!
            Sáng trưa chiều tối cả xóm như dậy lên một không khí khác thường trong những công việc bận rộn đặc biệt. Đám lá mai được lặt từ tháng trước giờ nằm héo queo trên nền đất hay trong chậu vẫn chưa dọn dẹp sạch sẽ, đàng hoàng ... đợi đấy, trước giờ cúng Giao Thừa là mọi người, mọi vật thảy đều tươm tất cả cho xem!
            Dẫu ngày đêm vẫn là 24 tiếng đồng hồ, nhưng hình như mọi người đều cáng đáng làm thêm việc này, việc nọ đến tối mịt. Những bà nội trợ thì xách giỏ đi chợ sớm hơn thường ngày, cũng chỉ là cơm canh hai bữa thôi mà ... nhưng sao lại lòng vòng chợ đầu trên, xóm dưới? Cái rôm rả của những ngày tháng cuối năm ai mà không náo nức! Nào quần, nào áo, giày dép, nào bánh mứt đủ màu sáng chói giấy bóng kính trong hộp, nào hoa quả trái cây từ miệt vườn đổ về chất đống nghều nghệu trông thật bắt mắt ... và túi tiền eo hẹp thường ngày bỗng trở nên hào phóng, mở rộng, rủng rỉnh hơn cho những món hàng, món quà đắt tiền.
            Năm ấy, tôi cũng dạo chợ ngày 3, 4 bận dẫu vào những ngày giáp Tết vẫn còn phải đi làm. Mua gì thì quả thật là trong bụng tôi đã định sẵn rồi, nhưng cứ đi vòng vòng ngắm tới, ngắm lui món hàng mình muốn mua: Một đôi dép Thái Lan "xịn". Vào cái thời ấy, chữ "xịn" dùng để diễn tả một cái gì đó đẹp tuyệt vời như thiên đường!
            Hãy để tôi diễn tả niềm mơ ước, ao ước của tôi cho bạn nghe. Tôi mơ mua được đôi dép Thái có mảng quai lưới óng ánh màu vàng lụa mơ mơ, chạy theo đường viền của đôi dép là những nét gạch nâu nhạt thật nhỏ để tô điểm đôi dép thêm ý nhị và dấu đi đường may viền. Nền dép màu kem và điều đặc biệt là đôi dép rất nhẹ! Tôi mê cái nhẹ ấy đến nỗi mỗi lần đi ngang qua hàng dép là cầm lên vài lần cho thỏa thích.
            Đôi dép ấy giá 8.000 đồng! Lương công nhân viên của tôi là 16.000 đồng/tháng (vào thời điểm ấy, danh từ công nhân viên chẳng có gì to tát lắm đâu, đại khái như là đi làm culi vậy thôi). Tôi đã nín thở khi nghe bà bán hàng nói giá thiệt, không phải là giá thách đâu nhé! Vì nó mắc quá rồi mà nói thách nữa thì cái giá sẽ bay lên tới tầng mây xanh thì làm sao mà bán cho ai được.
            Dạo chợ và cũng dạo hết những gian hàng có bán đôi dép ấy được chưng bày ngạo nghễ trong những chiếc tủ kính, tôi nhìn nó thèm thuồng như một đứa con nít thèm búp bê thuở nhỏ hay chí ít cũng như con bé thèm cây cà rem đậu xanh được chặt vuông vức và ông bán cà rem đóng một cây que tre xuống khối kem bé tí xíu trước khi bán vậy.
            Dễ chừng có mươi gian hàng bán đôi dép tôi mơ và người ta còn bảo hàng của Thái Lan tốt và hiếm lắm, nếu tôi không mua, e rằng sẽ không còn đôi dép vừa chân tôi. Tôi nào có mua cho tôi đâu ... Tôi muốn mua cho Mẹ tôi nhân dịp Tết đến!
            Ừ nhỉ, quả thật không có đứa con nào như tôi! Mua một đôi dép cho Mẹ sao lại đắn đo, do dự đến như vậy? Từ tấm bé, Mẹ tôi đã mua cho tôi biết bao nhiêu giày dép, quần áo mới mà … Khoảng năm 1980, đồng lương của tôi sẽ được tiêu pha nhiều nhất vào tiền gạo cho cả nhà, rồi đến những món đồ gia vị trong nhà bếp, xà bông giặt đồ, phần còn lại tiền lẻ dằn túi là tiền của riêng tôi, mà thật ra dường như lúc ấy tôi không có gì để tiêu pha cho riêng mình cả. Một năm chỉ cần hai bộ đồ đi làm, hai ba năm mua một đôi giày sandal, bạn bè thì không có, mua sách đọc thì như thể là một món hàng xa xỉ phẩm đối với tôi, vì chén cơm tôi ăn còn lẫn sạn, thóc và bông cỏ, xà bông giặt đồ cho một gia đình 9 người là loại xà bông rẻ nhất và dễ làm lột da tay, thì lấy đâu tiền mà mua sách thánh hiền đọc!
            Cái tuổi tôi lúc ấy là tuổi trăng tròn đấy, nhưng tôi cứ nghĩ nó giống như là trăng non để chưa bao giờ biết làm điệu, làm dáng bằng một chút phấn nụ hồng của con gái.
            Thế thì tại sao tôi lại dám mơ ước đôi dép Thái Lan mắc tiền như vậy cho Mẹ tôi nhỉ? Chỉ vì tôi thương Mẹ tôi quá khi bất chợt một hôm nghe Mẹ buột miệng nói: Đôi dép đó nhẹ lắm! Đó là lần đầu tiên trong đời tôi mà tôi nghe Mẹ tôi nói một câu như thể là trầm trồ khen một món đồ, chưa bao giờ Mẹ tôi muốn mua cái gì riêng cho Mẹ tôi kể từ khi tôi có trí nhớ cả . Những chiếc áo dài, giày dép, son phấn của Mẹ là do Ba tôi mua tặng Mẹ, cầm đồng tiền trên tay từ tiền lương của một người lính, Mẹ tôi chỉ muốn mua cho chồng, cho con cái quần, cái áo đẹp, sách vở thơm, món ngon miệng cho chồng và cho 8 đứa con.
            Nếu ai đó bảo Mẹ tôi là người đại hà tiện thì quả là không ngoa chút nào! Người hà tiện mọi thứ cho chính bản thân mình mà không hề ngần ngại, kể từ thuở theo chồng chinh chiến, những lần thay đổi đơn vị của Ba tôi là những lần Mẹ tôi gom góp gia tài 8 đứa con và vật dụng trong nhà gọn gàng như ba tôi gom đồ lính tác chiến cá nhân vào chiếc ba lô. Gót chân Mẹ tôi thuở xưa là gót chân son của một con nhà gia thế, ông ngoại tôi làm thông ngôn cho tòa án Pháp và họ ngoại tôi là một doanh gia có tiếng ở một tỉnh miền Nam. Thế nhưng đến khi lấy chồng là lính rồi, thì cô tiểu thư ấy lại bôn ba, phong trần như một người lính, nên gót chân người đã trèo non, lội suối trên đường tình và đường đời. Mấy chục năm ròng theo Ba tôi, bàn tay và bàn chân Mẹ tôi đã nứt nẻ, chai sạn chứ không trau chuốt như những bàn tay chân của những người vợ quan khác ! Ắt hẳn là cái số cực vì chồng, vì con thôi ...Gót chân ấy đã đi mòn hết khắp nẻo chợ đời để mua cho con tấm áo đẹp, miếng bánh ngon, chạy rong khắp trường học để đưa đón con tan trường. Bàn chân ấy đã chạy bén gót, ngược xuôi buôn bán tần tảo, đội nắng mưa đêm ngày.
            Tôi còn nhớ một kỷ niệm đặc biệt là trong suốt cuộc đời tôi, duy nhất có một lần tôi nấu cơm cho Mẹ tôi trọn vẹn, còn những ngày tháng còn lại là Mẹ tôi nấu cho tôi ăn! Hôm ấy Mẹ tôi bệnh và tôi đã tự một mình đi chợ - khi tôi vào khoảng 12, 13 tuổi gì đó - cái tuổi để nhớ những trò chơi, nhớ những đứa bạn đồng trang lứa hơn là nhớ những ngõ quanh co của một cái chợ! Thế là tôi chỉ đi chợ một đường thẳng, không dám quẹo vào những ngóc ngách của khu chợ để mua thức ăn cho cả nhà hôm ấy. Cầm tiền trong tay, tôi biết là không thiếu đâu, nhưng lại sợ bị mất vì tôi có cầm một số tiền lớn chừng ấy một mình bao giờ đâu. Quả thật là "nghề nội trợ" thật nhiêu khê! Mua bao nhiêu thì sẽ đủ cho cả nhà ăn, mua món gì thì sẽ ... dễ nấu! Ngần ấy chuyện loanh quanh trong đầu một cô bé rồi cuối cùng tôi cũng chọn món canh chua cá lóc và thịt kho tiêu - đó là hai món mà Mẹ tôi thường hay nấu khi chúng tôi bị bệnh.
            Hết hai tiếng đồng hồ để tôi giung giăng giung giẻ với cái chợ đã làm tôi quýnh quáng khi về đến nhà Mẹ tôi hỏi: Sao con đi chợ lâu vậy, bị lạc hả?
            Và tôi vào bếp nấu cơm - một ngày đáng ghi nhớ của một đứa con gái tự mình tung hoành trong giang sơn của phụ nữ! Vật lộn với nồi niêu soong chảo, gia vị mắm muối, lửa củi rồi thì cuối cùng mâm cơm cũng hoàn tất. Tôi dọn cơm cho Mẹ tôi ăn trước vì Mẹ tôi bệnh và nhỏ nhẹ hỏi: Con nấu có ngon không? Miếng thịt kho tôi đã chăm chút làm sao thái cho thật mỏng, thật đẹp, không bị vụn, tôi đã nếm món ấy không biết bao nhiêu lần trước khi thịt chín (!) để không bị mặn như muối hoặc ngọt như nấu chè, rồi rắc tiêu lên ... cho giống với món thịt kho tiêu mà Mẹ tôi đã kho cho tôi ăn hàng triệu lần. Còn món canh chua thì miễn chua là được rồi, chứ làm sao mà ngon được! Hình ảnh cái mâm cơm nhớ đời ấy còn mãi trong ký ức tôi khi Mẹ tôi khen tôi "giỏi" , chứ không phải "ngon" !
            Hình như trong suốt 13 năm Ba tôi trong lao tù cộng sản, Mẹ tôi chỉ có một đôi dép độc nhất đi ra đường, phần thì ở ruộng đâu cần giày dép chi, đến khi lên tỉnh trở lại thì mới xỏ chân vào dép giày trở lại! Đến khi gia đình tôi biết Ba tôi được thả về vào dịp Tết - đó chính là thời gian mà tôi muốn mua một đôi dép mới cho Mẹ tôi - thì tôi đã đi hết những gian hàng bán giày dép trong chợ. Thật ra, người nghèo mà dám ngó đến những hàng giày dép thì đã quá lắm rồi, chứ đâu dám bước chân đến những tiệm giày dọc hai bên đường phố mà chỉ cần chạy xe ngang là thấy những tủ kính bóng lộn bày những đôi giày kiểu này kiểu nọ. Đến lúc tôi thấy trên kệ hàng của một bà bán giày dép còn duy nhất một đôi mà tôi biết sẽ vừa vặn chân Mẹ tôi, tôi quýnh quáng lên! Vì chỉ có bà bán hàng ấy là bớt chút đỉnh giá bán và tôi "quyết định" mua đôi dép Thái Lan thần tiên ấy.
            Cầm đôi dép trong tay đi về nhà, trái tim tôi run lên trong nỗi vui mừng khôn tả, tôi đã mua được một món quà Tết mà tôi biết chắc là Mẹ tôi sẽ thích lắm - chỉ có vậy thôi mà lòng tôi tràn ngập hạnh phúc không diễn tả được.
            Thuở ấy làm gì có một cái bao nylon, giấy gói hoa hòe cho lộng lẫy món quà, cũng chẳng có một cái hộp giày dép cho trịnh trọng, đôi dép được gói trong một tờ báo ngoại quốc màu mè và buộc sợi dây thun ngang! Vậy mà bụng tôi mừng rơn khi tưởng tượng ra lúc tôi trao cái gói giấy ấy cho Mẹ tôi.
            Tôi còn nhớ chiều hôm tôi tặng quà cho Mẹ tôi - ngày đưa Ông Táo về Trời, tôi thủ thỉ với Mẹ rằng: Con có mua cho Mẹ cái này đẹp lắm! Thế đấy, cô con gái lớn của Mẹ tôi lúc ấy đã hơn 20 tuổi đầu rồi mà chẳng biết nói gì khi tặng quà cho Mẹ. Và tôi đã không bao giờ quên cái giây phút Mẹ tôi mở gói giấy ra... người lấy tay rờ lên đôi dép thật nhẹ, vuốt tới vuốt lui chỗ mảng lưới vàng óng ánh và nói duy nhất một câu: Con mua đôi dép này nhiều tiền lắm phải không, Mẹ mang đôi dép cũ được rồi...
            Vậy đó, trong suốt 35 năm tôi sống với Mẹ tôi cho đến khi người mất, tôi chỉ làm cho Mẹ tôi vui được vài lần. Một lần tôi thi đậu vào lớp Năm ở bậc Tiểu học, một lần khác thi đậu vào Đệ Thất, lần thi đậu Tú tài II, lần ra trường với bằng cấp xứ người (tôi là con gái lớn nhất nhà, nên chuyện thi đậu và ra trường của tôi thật là quan trọng đối với Ba Mẹ tôi vì lúc ấy tôi được "vinh danh" cho hết 7 đứa em còn lại mà bắt chước! Thật oai!), lần nấu cơm canh chua, thịt kho tiêu và lần Mẹ tôi nhận đôi dép.
            Sau khi mua đôi dép rồi, tôi biết số tiền lương của tôi chỉ còn lại phân nửa, mà những món đồ cần thiết trong nhà vẫn phải mua - Mẹ tôi còn biết bao nhiêu chuyện phải lo, nên phần việc của tôi trang trải chi phí kể như là nhẹ nhất đấy. Tôi bắt đầu đan thêm áo len gia công nhiều giờ hơn - lúc ấy tôi đang là một công nhân viên đấy chứ, nhưng đã lãnh len đan thêm.
            Rồi mọi chuyện cũng xong thôi, mỗi ngày tôi nhìn thấy đôi dép được bọc lại bằng bao nylon và nằm chễm chệ trong một góc nhà sạch nhất, lòng tôi vui lạ lùng...
            Ngày Mẹ tôi "khai trương" mang đôi dép mới là một ngày đặc biệt đối với tôi, tôi cảm thấy như là Mẹ tôi đi nhè nhẹ, tránh những hòn đá lởm chởm của con ngõ vô hẻm ... ngày ấy Mẹ tôi đi lễ chùa đầu năm. Người mặc chiếc áo dài màu lam, có thêu những cánh hoa phong lan bàng bạc. Vải áo dài do ngoại tôi tặng, em gái tôi là thợ thêu và Mẹ đã bảo em tôi thêu hoa lan vì đó là loài hoa mà Ba tôi rất thích trong vườn lan nhà ngày xưa.
            Tôi vẫn còn nhớ thật rõ một thói quen mới của Mẹ tôi dành cho đôi dép ấy là sau khi người đi rồi, thì dùng một miếng giẻ lau cẩn thận - điều mà xưa nay tôi chẳng bao giờ thấy Mẹ tôi làm thế bao giờ! Mỗi lần đi một việc gì quan trọng thì đôi dép mới được đi cùng và mãi cho đến ngày Mẹ tôi rời xa quê nhà, đôi dép ấy vẫn ngự trị ở kệ giày cao nhất và một cách trịnh trọng dẫu bên cạnh nó có thêm biết bao nhiêu đôi giày dép khác đẹp hơn nó.
            Đôi Dép Cũ của Mẹ đã từng ra Bắc, vào Nam, từng băng rừng, sông, suối, trèo núi non đi tìm chồng hàng năm vào những ngày tháng Ba tôi còn trong vòng lao lý gông cùm cộng sản. Đôi Dép Cũ ấy cũng tất tả, vất vả theo Mẹ đi về với những gánh hàng rong của chợ đời trong những tháng ngày Mẹ tần tảo nuôi con thay chồng, cũng nắng mưa dầm dãi sớm khuya, cũng lặn lội trong bùn lầy năm tháng, cũng bén gót theo Mẹ những buổi chợ chiều ế ấm hàng họ, rồi rã rượi theo chân người về túp nhà xiêu vẹo có đám con thơ ngóng chờ.
            Phải ... cái Cũ của Mẹ tựa như cái thủy chung của Mẹ đối với Ba 47 năm trời. Cái Cũ ấy đã gần gũi Mẹ trọn hết suốt cuộc đời lao lung, cực khổ cho gia đình với một người chồng và 8 đứa con thơ dại. Cái Cũ ấy đã làm nên Mẹ trong lòng chúng con. Cái Cũ ấy cũng là điểm tựa cho tất cả các con của Mẹ. Cái Cũ ấy là một bài học lớn cho 4 đứa con gái của Mẹ khi lấy chồng. Cái Cũ ấy như là tượng đá Vọng Phu ngóng chồng trên non trong tích xưa ...bởi vì đôi dép cũ của Mẹ do Ba tôi mua tặng!
            Đôi dép tôi mua vẫn còn thật mới cho đến ngày Mẹ tôi mất và tôi biết rằng trong lòng Mẹ tôi, đôi dép mà tôi mua mãi mãi được Mẹ tôi cưng nhất, cưng như đôi dép cũ mà Ba tôi mua cho người.

Như Thương

(Tháng Chạp, 2011)